Tiếp tục Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề: "Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển," chiều 25/12, tại Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước; lãnh đạo một số địa phương trong cả nước...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chương trình hành động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo này.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ và 19 điểm cầu trên cả nước; được khai mạc sáng cùng ngày.
Du lịch - ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đối với du lịch Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng.
Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh.
Trong 10 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,25 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 138.150 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng có tới 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động.
Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động; các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.
Lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ ạt 5%.
Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống.
Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Do không có khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều bị thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn.
Mặc dù năm 2021 là năm thứ hai chịu tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, tức là có dự báo trước được diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khó khăn của hoạt động du lịch nhưng thiệt hại vẫn khá nặng nề, nhất là các tỉnh, thành phố là địa bàn du lịch trọng điểm.
Theo báo cáo thống kê sơ bộ, cả nước không có khách quốc tế đến giữa tháng 11/2021. Tại Hà Nội, lượng khách nội địa giảm 47% so với cùng kỳ 2020, Thừa Thiên-Huế giảm 60%, Đà Nẵng giảm 60%, Quảng Ninh giảm 37%, Ninh Bình giảm 49,5%... Ước tính thiệt hại từ du lịch năm 2021 tại tỉnh Quảng Nam hơn 15.000 tỷ đồng; Đà Nẵng khoảng 27.300 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế hơn 8.000 tỷ đồng, Quảng Ninh hơn 2.000 tỷ đồng…
Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp du lịch
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng các quốc gia trên thế giới hiện nay đều thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch chung trong các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào 6 nội dung chính là chính sách tài khóa (giãn, giảm thuế, phí, kích cầu, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, cho vay trả lương…); chính sách tiền tệ (giảm lãi suất; giãn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ, tín dụng ưu đãi…); đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; phát triển thị trường; xã hội hóa nguồn vốn; kích cầu, khởi động lại ngành du lịch.
Cụ thể như Thái Lan hỗ trợ phí bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập mới; Malaysia giãn nợ vay trong 6 tháng, miễn thuế dịch vụ trong 6 tháng, cung cấp 45 triệu USD cho các doanh nghiệp đào tạo nhân viên.
Ông Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World, nêu quan điểm tình cảnh ngặt nghèo của du lịch trong đại dịch đã buộc các cường quốc về du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ, đồng thời giải đáp các bài toán đau đầu về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, điểm đến, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn...
Những lợi ích của việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp du lịch đó là góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp (mô hình vận hành, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp; đổi mới bộ máy nhân sự; tăng cường liên kết giữa các bộ phận); xây dựng được cơ sở dữ liệu (khách hàng, sản phẩm…); tiếp cận khách hàng, thị trường từ xa; nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm chi phí vận hành; gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; tăng doanh thu và lợi nhuận...
Thực tế trong hai năm dịch bệnh COVID-19 tấn công, Tập đoàn Sun Group đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có trong suốt gần 15 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, Sun Group đã nỗ lực triển khai đồng thời nhiều giải pháp để kịp thời ứng biến với tình hình mới.
Ông Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World khẳng định: "Một trong những giải pháp quan trọng nhất đã và đang giúp tập đoàn vượt qua khó khăn, tạo đà vững chắc để bứt tốc trong tương lai chính là chuyển đổi số."
Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), nhấn mạnh: "Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi thực hiện 5 biện pháp quan trọng để đảm bảo chúng ta có thể khôi phục du lịch quốc tế và đẩy nhanh sự phục hồi của lĩnh vực này, mang lại công việc và tiền bạc cho nền kinh tế của chúng ta, trong đó cần có các quy định đơn giản hóa cho những người đi du lịch quốc tế, cho phép công dân đã tiêm vaccine đầy đủ được đi du lịch mà không bị hạn chế; cần phát triển và thực hiện các giải pháp kỹ thuật số cho phép mọi người chứng minh trạng thái COVID-19 của họ và nhập cảnh một cách nhanh chóng, dễ dàng."
Giải pháp phục hồi, phát triển du lịch
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel, nêu các nhóm giải pháp, bao gồm nhóm về chính sách chung; nhóm về chính sách về tín dụng; nhóm hỗ trợ về kích cầu; nhóm hỗ trợ nguồn nhân lực trong ngành.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, để khôi phục các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành nhanh việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng ầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo ảm an toàn phòng, chống dịch.
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Tiếp tục xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành; giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023; xem xét quy trình chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách các địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội-chi nhánh tại các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nêu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ưu tiên nghiên cứu, sớm triển khai mô hình hộ chiếu vaccine; điều chỉnh định hướng, cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để làm cơ sở định hướng cho các địa phương triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ...
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Bộ đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, trong đó tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khuyến khích và tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; sẵn sàng phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)...
Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Tác động của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi căn bản bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất nhưng du lịch lại là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn.