Chuyên gia "bắt mạch" làn sóng đầu tư vào BĐS nội của DN ngoại

05/10/2013 07:36
Hoàng Lực
(GDVN) - “Theo tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong khoảng 3 năm nữa. Lúc đó thị trường BĐS chắc chắn sẽ khôi phục vì vậy việc nhà đầu tư tìm đến Việt Nam đổ tiền vào đầu tư BĐS là điều dễ hiểu...", TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Mới đây Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chính thức tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tính chung trong 9 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 15,005 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó tính đến ngày 20/9 cả nước có 872 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 9,294 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2012 và 340 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,71 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Thị trường BĐS "ế ẩm" nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn ồ ạt
Thị trường BĐS "ế ẩm" nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn ồ ạt
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 15,005 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012. Về lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 400 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,969 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ hai và gây bấy ngờ là thị trường BĐS, chỉ tính riêng tháng 9 nhà đầu tư nước ngoài đã tăng thêm là 588,11 triệu USD vào thị trường BĐS Việt Nam, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều này được xem là một bất ngờ nếu so với tình hình thị trường BĐS trong nước vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Ở phân khúc BĐS cao cấp, nhiều chủ đầu tư các dự án BĐS trong nước phải chấp nhận giảm giá, chịu lỗ để bán với giá giảm tới 50% so với giá chào bán ban đầu nhưng vẫn không thu hút được người mua. Còn phân khúc giá rẻ và nhà ở xã hội cũng không thu hút được nhiều khách hàng do người dân vẫn giữ tâm lý e ngại mất niềm tin vào chủ đầu tư. Vậy thực chất số lượng tiền rất lớn đổ vào BĐS trong nước của nhà đầu tư nước ngoài lúc này có là tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS trong nước? Là chuyên gia thường xuyên theo dõi thị trường BĐS thời gian qua, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho rằng: Hiện nay thị trường BĐS tuy chưa thoát khỏi khó khăn nhưng đã có sự khởi sắc hơn so với giai đoạn cuối năm 2012 đầu năm 2013. Những khó khăn của thị trường BĐS thời gian qua cũng là sự thanh lọc những chủ đầu tư BĐS yếu kém thiếu năng lực ra khỏi “cuộc chơi”.  “Chính lúc khó khăn như hiện nay doanh nghiệp nào tồn tại được mới thể hiện năng lực và cho thấy bước phát triển bền vững” – TS Liêm nói. Trở lại vấn đề, trong khi tình hình BĐS trong nước chưa vượt qua khó khăn nhưng nhà đầu tư vẫn đổ dồn tăng vốn, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng đặc điểm của thị trường BĐS là “cung chậm nhưng cầu nhanh”. Có nghĩa là nguồn cung nhiều lúc không theo được nhu cầu do BĐS là hàng hóa đặc thù riêng. “Theo tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong khoảng 3 năm nữa. Lúc đó thị trường BĐS chắc chắn sẽ khôi phục vì vậy việc nhà đầu tư tìm đến Việt Nam đổ tiền vào đầu tư BĐS là điều dễ hiểu. Vì không phải đầu tư lúc này là có ngay sản phẩm nên chưa phải lo đầu ra” – TS Phạm Sỹ Liêm lý giải. Trước đây thị trường BĐS Việt Nam phát triển bùng phát kiểu “bong bóng”, dự án BĐS đua nhau mọc lên như nấm kéo theo giá BĐS bị thổi lên. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn kinh tế kéo theo giá BĐS cũng giảm xuống đây là cơ hội cho nhà đầu tư. Lúc này nhà đầu tư nước ngoài vừa có thể mở thêm dự án mới vừa có thể mua lại dự án dang dơ của doanh nghiệp Việt Nam một cách dễ dàng, thậm chí là mua cả doanh nghiệp Việt Nam, điều này càng dễ hơn nếu doanh nghiệp đó niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch. Một xu thế mới hiện đang nổi lên đối với nhà đầu tư trong nước và các quỹ đầu tư ngoại vừa và nhỏ là mua dự án phân khúc nhà giá rẻ, bao gồm: dự án nhà ở giá rẻ có sẵn, dự án dang dở có thể chuyển đổi công năng và dự án có đất rẻ, vị trí phù hợp. Đây là một chiến lược được các chuyên gia trong ngành đánh giá là khá hợp lý trong bối cảnh thị trường hiện nay bởi nhu cầu nhà ở thực tế của người dân còn lớn nên vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm tốt ngay cả trong lúc thị trường trầm lắng.
Hoàng Lực