Chuyên gia KT Phạm Chi Lan: “Theo luật biển thì 100% Trung Quốc thua"

19/07/2011 00:09
(GDVN) - "Những tuyên bố của TQ rất ngang ngược, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế, làm cho nhiều nước khó chịu...", bà Phạm Chi Lan nói.
(GDVN) - Trong tranh chấp biển Đông, kinh tế là yếu tố cốt lõi luôn đi cùng với các lợi ích về quốc phòng. Để hiểu sâu hơn về lợi ích kinh tế tại khu biển giàu tài nguyên thiên nhiên như nhân dân ta tự hào từ bao đời nay: “rừng vàng biển bạc”, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.
PV: Xét dưới góc độ kinh tế, bà đánh giá vai trò của các nước trong tranh chấp biển Đông như thế nào?
 
Bà Phạm Chi Lan: Về lợi ích kinh tế tại biển Đông, theo tôi có 2 nhóm nước. Một là: Nhóm nước có vùng biển hoặc hải đảo mà họ nhận là chủ quyền thuộc về mình như: Việt Nam, Philippin, Malaysia, Trung Quốc. Còn Hoàng Sa thì rõ rồi, thực tế cũng như lịch sử đã khẳng định thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu nay.
Hai là: Những nước không có chủ quyền về vùng biển hoặc hải đảo ở biển Đông thì họ cũng có quan tâm bởi vì đó là con đường biển đi lại giữa các nước. Ví dụ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, các nước Châu Âu…
Tôi nghĩ, tốt nhất cho Việt Nam, Philippin, Malaysia... là các nước có vùng chồng lấn thì nên có một sự thương lượng và thỏa thuận với nhau. Và cách tốt nhất mà chúng ta đã làm được như từng làm với Malaysia là cùng nhau khai thác. 
Dựa trên Công ước về luật biển, các nước có quyền lợi liên quan hoàn toàn có thể đi đến thỏa thuận với nhau để cùng nhau khai thác. Điều này là hoàn toàn hợp lý. Tôi nghĩ giữa các nước ASEAN với nhau thỏa thuận với nhau việc đó có lẽ không khó bởi vì các nước đều hiểu và đều thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau dựa theo những quy định trong công ước Luật biển.
Trong trường hợp các nước không thỏa thuận với nhau được thì hoàn toàn có thể đưa ra tòa án quốc tế phân xử. Họ hoàn toàn có thể phân xử được phần nào thuộc về nước nào thì hợp lý. Nếu đã cùng nhau đưa ra quốc tế phân xử thì phải chấp thuận những phán quyết từ tòa án quốc tế, tôn trọng những phán quyết đó rồi cùng nhau sống yên ổn, hòa bình cùng phát triển.
PV: Nhưng Trung Quốc đã không tuân theo Công ước luật biển khi ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của ta và đưa ra tuyên bố chủ quyền thể hiện qua yêu sách đường lưỡi bò. Bà  đánh giá sao về cách hành xử này của Trung Quốc?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với trường hợp của Trung Quốc, những tuyên bố của nước này rất ngang ngược, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế. Ở vùng biển Đông, nhưng tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc làm cho tất cả các nước đều khó chịu. 
Bây giờ, để giải quyết thì tất cả đều phải căn cứ trên luật biển, nếu như giữa Trung Quốc và các nước có quyền lợi liên quan không thỏa thuận được thì phải đưa ra tòa án quốc tế. Và khi đưa ra quốc tế căn cứ theo luật biển thì tôi chắc chắn 100% Trung Quốc thua. 
Chính vì vậy họ mới không muốn đưa các vấn đề liên quan tới biển Đông ra quốc tế theo cơ chế đa phương mà chỉ muốn giải quyết theo cơ chế song phương: giữa Trung Quốc với từng nước liên quan như giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Philippin…
Trên việc đàm phán tay đôi như vậy thì họ tin rằng họ là một nước lớn, một nước mạnh trong khu vực này nên họ có thể dùng sức mạnh về các mặt của họ để mà buộc các nước trong đàm phán song phương với họ phải nhân nhượng hoặc chịu thua. Và chính vì vậy, giữa các nước ASEAN cũng đã cùng nhau thỏa thuận là đưa vấn đề này ra  đàm phán đa phương. 
Bởi vì nếu theo cơ chế song phương thì bất kỳ một nước ASEAN nào cũng đều phải công nhận một thực tế là khó có thể đàm phán được với Trung Quốc vì tư tưởng bành trướng rất lớn, cái kiểu “lấy thịt đè người” họ vẫn làm xưa nay. 
Riêng với Trung Quốc rất khó để có thể giải quyết qua đàm phán song phương dựa trên lợi ích kinh tế chia sẻ nhau hoặc dựa trên công ước quốc tế.
Đàm phán theo cơ chế đa phương tạo ra cho các nước yếu hơn tương đối nhưng có lý lẽ, chính nghĩa thuộc về mình có thể thắng được.
PV: Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhất là trong điều kiện hòa bình, sức mạnh kinh tế là hàng đầu. Nền kinh tế không vững thì không thể đảm bảo cho vị thế chính trị của một nước. Bà đánh giá thế nào về sức mạnh kinh tế trong sức mạnh Việt Nam?
Bà Phạm Chi Lan: Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhất là trong điều kiện hòa bình, sức mạnh kinh tế là hàng đầu, là sức mạnh cơ sở để làm chỗ dựa phát triển đất nước cũng như trong sự cạnh tranh, hợp tác với các nước khác liên quan trên toàn thế giới. Nếu nền kinh tế không vững mạnh thì nó sẽ không thể đảm bảo vai trò là cơ sở cho an ninh quốc phòng hay là cho độc lập tự chủ cũng như vị thế chính trị của một nước trên trường quốc tế. 
Về sức mạnh kinh tế Việt Nam hiện nay, tiềm năng rất lớn, những cơ sở khai thác để biến nền kinh tế Việt Nam trở lên mạnh mẽ đều có và vẫn đang còn đó. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang trong một thời kỳ hết sức khó khăn hiện nay. Những bất ổn vĩ mô hiện nay đã kéo dài liền trong 3 - 4 năm gần đây. 
Có thể nói năm nay là năm thứ 4 liên tục, chúng ta trong tình trạng bất ổn vĩ mô cũng như trong các vấn đề lớn về kinh tế như thế này. Tuy nhiên tôi tin là chúng ta hoàn toàn có thể ra khỏi tình trạng khó khăn, lấy lại được sức mạnh kinh tế Việt Nam cũng như tăng cường thêm sức mạnh trong những năm tới. 
Chỉ cần chúng ta thực hiện đúng những điều mà nội bộ mình đã nhìn nhận được rõ, qua phân tích và làm theo những mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế như ở Đại hội XI vừa rồi đã đưa ra. Chỉ cần chúng ta làm được đúng những điều đó thôi là chúng ta đã có thể đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay và lấy lại cũng như tăng cường sức mạnh kinh tế của mình.
PV: Trong hoàn cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Bà nghĩ gì trước nhiều ý kiến, người dân sẵn sàng góp công góp của vào một quỹ quốc phòng, mua sắm vũ khí cho quân đội? 
Bà Phạm Chi Lan: Tôi rất hoan nghênh ý kiến này của người dân. Phải nói là người dân Việt Nam có ý thức rất cao về độc lập, tự chủ của đất nước mình.
Thời hiện đại có nhiều cách để đưa Việt Nam vào vị trí phụ thuộc vào nước khác. Người dân Việt Nam đã rất tỉnh táo trong vấn đề đó, luôn luôn sẵn sàng bỏ những cái gì thuộc về cá nhân mình để mà đóng góp cho đất nước, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn và khẳng định lại chủ quyền độc lập của mình.
Đây là thời cơ thuận lợi để nhà nước có thể khắc phục những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau để phát triển đất nước. Điều đó thể hiện sự thống nhất nhà nước với nhân dân, người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài chung một mối lo về vận mệnh của đất nước. Qua đó, đất nước phát triển mạnh về kinh tế cũng như quân sự để bảo vệ độc lập tự chủ của mình và đóng góp cho nền hòa bình trong khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
{iarelatednews articleid='7820,7622,7555,6992,6909,6751,6607,6608,6362,6328'}
Tuệ Minh (ghi)