Hôm qua (22/1), Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo pháp luật hình sự của Trung Quốc và Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu mong muốn, những trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam khi chúng ta đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Việt Nam đã chuyển hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc |
Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự
GS.TS Hạ Dũng (Học viện Tư pháp hình sự, Đại học Tài chính – Chính pháp Trung Nam) cho biết, luật hình sự Trung Quốc có 3 hình thức là BLHS, luật hình sự riêng lẻ và luật hình sự phụ (thường là các VBQPPL quy định về quản lý hành chính, thương mại dân sự, trật tự kinh tế, quy tắc kinh tế…).
Ông Hạ Dũng quan niệm, tác dụng chính của luật hình sự phụ là bổ sung các hành vi phạm tội chưa được quy định trong BLHS, tội danh được quy định trong luật hình sự phụ hoàn toàn độc lập với tội danh trong BLHS. Theo thống kê của ông Hạ Dũng, đến ngày 1/11/2012, trong số 264 luật vẫn còn hiệu lực và 58 nghị quyết, quyết định, quy tắc có giá trị pháp luật tương đương do cơ quan lập pháp Trung Quốc ban hành thì có 180 văn bản với 554 điều khoản luật hình sự phụ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, BLHS được xác định là VBQPPL duy nhất được phép quy định tội phạm, khung hình phạt cho các tội phạm. Tuy nhiên, có nhiều luật khác (thường được cho là luật chuyên ngành) lại có điều luật quy định cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực điều chỉnh trong những trường hợp nhất định như Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai…
Vì thế, để đảm bảo sự thống nhất giữa BLHS với các Luật này, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh phải xem xét vấn đề nguồn quy định tội phạm nói riêng và nguồn của pháp luật hình sự nói chung.
“Quan niệm nguồn của pháp luật hình sự chỉ là BLHS (theo nghĩa hẹp) là quan niệm không còn phù hợp với xu thế và điều kiện hiện nay” – ông Hòa khẳng định và đề nghị mở rộng nguồn của pháp luật hình sự theo hướng cho phép các luật khác có thể quy định tội phạm và hình phạt. Theo đó, giữ nguyên cấu trúc phần các tội phạm của BLHS; cho phép có luật hình sự riêng lẻ quy định nhóm tội phạm hoặc tội phạm cụ thể cùng hình phạt tương ứng; cho phép luật phi hình sự có điều luật quy định các tội phạm và hình phạt cụ thể.
Xóa bỏ hình phạt tử hình – con đường dài phải đi
Một trong những điểm tương đồng được nhiều đại biểu quan tâm của hệ thống pháp luật hình sự hai nước Việt Nam, Trung Quốc là còn duy trì hình phạt tử hình (HPTH) và cùng đang trên đường từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng HPTH.
GS.TS. Đồng Đức Hoa (Đại học Tài chính – Chính pháp Trung Nam) chia sẻ: Trong giai đoạn hiện tại, tuy chưa thể xóa bỏ hoàn toàn nhưng với tư tưởng văn minh hiện đại, hội nhập cùng thế giới, Trung Quốc đã thúc đẩy việc giảm HPTH.
Điều này thể hiện ở chỗ trong lần thứ 8 sửa đổi, bổ sung BLHS, được thông qua năm 2011, Trung Quốc đã xóa bỏ HPTH ở 13 tội danh phi bạo lực. Song ông Hoa cũng thẳng thắn nhận xét, quy định về HPTH trong BLHS Trung Quốc còn tương đối phổ biến và ở một số tội phạm kinh tế khác như tội gian lận tài chính vẫn có quy định HPTH. “Chúng ta có thể xóa bỏ HPTH sau bao nhiêu năm nữa? Đó là con đường dài phải đi” – ông Hoa đúc rút.
Ở Việt Nam những năm gần đây, vấn đề hạn chế HPTH cũng trở thành khuynh hướng chung trong cả hoạt động lập pháp và áp dụng luật hình sự, phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới. Điển hình, BLHS năm 1999 chỉ có 29 điều luật có quy định về HPTH, so với BLHS năm 1985 đã giảm từ 20% xuống còn 11%.
Trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, 8 tội phạm cụ thể khác tiếp tục được xóa bỏ HPTH. Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tại Việt Nam thời gian qua, theo TS. Hoàng Văn Hùng (Đại học Luật Hà Nội), tới đây có thể hạn chế hơn nữa HPTH đối với tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Ngoài ra, bên cạnh việc hạn chế HPTH, Việt Nam còn thay đổi hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc, thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.
Hoàng Thư/Pháp Luật Việt Nam