Giao nhận nhà từ hồi tháng 9/2011 nhưng cho tới tận ngày hôm nay (22/3/2012), hàng trăm hộ gia đình tại chung cư cao cấp N05 (khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Hà Nội) vẫn không nguôi bức xúc vì tình trạng mất sóng điện thoại đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Chị Hà, cư dân sống tại tầng 17 tòa nhà N05, chủ sở hữu của thuê bao VinaPhone 0913.317xxx cho biết: Chưa bao giờ chị cảm thấy mình khổ sở đến vậy, cũng chưa bao giờ chị gặp phải cảnh tượng “nực cười” như thế. Những lúc nghe điện thoại, cổ phải nghển lên, phải đứng yên, không được nhúc nhích hay di chuyển dù chỉ một bước chân. “Chỉ cần rón rén hay rung tay một chút thôi là sóng tự nhiên mất” – chị Hà giải thích.
Sống tại tòa nhà cao tầng như thế này của Vinaconex, cư dân thường xuyên phải chạy ra ngoài hành lang, chân cầu thang nghe điện thoại vì trong nhà không có sóng. |
Từ khi chuyển về ở tại khu chung cư này, gia đình chị Hà luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi như vậy. “Nói chung, điện thoại di động gần như vô tác dụng đối với người dân N05, nó cũng không còn được gọi là “di động” nữa, vì khi nghe tuyệt đối không được động đậy”. Không ít gia đình đã phải chọn giải pháp là phải mua một chiếc điện thoại cố định về để chỉ gọi và nghe di động.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, cư dân của tòa nhà N05 còn cảm thấy mình mất lịch sự mỗi khi nghe/gọi cứ 2 phút là tắt bụp. “Tôi sử dụng mạng VinaPhone, cứ 10 lần gọi thì may ra được 1 lần máy báo kết nối nhưng cũng chỉ được khoảng 2 phút là cuộc gọi bị ngắt giữa chừng. Thực sự rất khó chịu”! – chị Nhung, sống tại tòa 29T1 chia sẻ.
Hiện tượng mất sóng hay rớt sóng đã gây không ít khó khăn và phiền toái cho các thuê bao di động tại tòa nhà cao tầng giữa thủ đô này. Một số người dân cho biết “Cứ bước vào nhà là cột sóng hạ rõ rệt. Người khác gọi điện lại thì được báo là không liên lạc được, một lúc sau mới có tin nhắn báo cuộc gọi nhỡ”.
“Đôi lúc cần chờ một cuộc điện thoại quan trọng nhưng cứ bị mất liên lạc suốt. Công ty hay khách hàng đều không liên lạc được, bỏ lỡ mất hợp đồng!”, hay như “Chỉ có một nội dung ngắn, lẽ ra là chỉ cần một cuộc điện thoại là xong nhưng đôi khi vì mất sóng nên phải gọi lại nhiều lần, vừa rắc rối, phức tạp lại vừa tốn tiền!”.
Cảnh ngơời dân đứng hàng giờ ngoài lối thoát hiểm để liên lạc điện thoại di động không còn là chuyện hiếm hoi ở tòa nhà N05 (Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội), |
Điều đáng nói là tình trạng này đã xảy ra từ rất lâu nhưng cho tới giờ, người dân nơi đây vẫn phải ấm ức vừa sử dụng vừa kêu gào mà không biết than thở với ai.
“Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ban quản lý tòa nhà, nhưng họ tiếp nhận, lắng nghe, hứa hẹn và… để đấy. Dân bức xúc lắm nhưng họ cũng không giải quyết được. Giữa thủ đô Hà Nội mà chúng tôi thấy mình còn khổ sở, lạc hậu hơn cả miền núi khi sóng điện thoại cứ liên tục “treo” không liên lạc được.
Mỗi lần về nhà là cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, không gọi ai, không nghe ai gọi điện thoại được!” – anh Minh, số thuê bao 0913.253xxx, đại diện cư dân tại tòa nhà N05 giãi bày những trăn trở của mình.
Được biết chung cư N05 Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và đơn vị quản lý của tòa nhà là công ty CP Vinasinco. Bên cạnh hàng loạt những khổ không tên như bị áp mức phí trông xe cao, bị “quây” kín trong một khuôn viên toàn dây thừng,... cư dân ở đây cũng “điên đầu” với mạng điện thoại.
“Tôi cá là 100 người thì cả 100 người phàn nàn cả 100. Chúng tôi toàn phải chạy ra lối thoát hiểm hoặc hành lang bên ngoài để nghe điện thoại, nhiều lúc gọi mãi không được chỉ muốn đập bể cả điện thoại” – Anh H, sống tại tầng 18 cho biết.
Trong khi người dân từng ngày, từng giờ, từng phút sống cảnh vật vờ vì mạng lởm thì ban quản lý tòa nhà (công ty CP Vinasinco) lại tỏ ra “bình chân như vại”. Một người đại diện của Vinasinco, chuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, khi giải trình về vấn đề này thì liên tục nói từ “không biết”, “không rõ”.
Vị đại diện này nói: Việc sóng chập chờn tại N05 là do bộ kích sóng chưa đi vào hoạt động. Chị này hứa hẹn: Khi nào hoạt động thì mọi chuyện sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, khi người dân hỏi về thời gian cụ thể chấm dứt tình trạng này thì vị đại diện trên ấp úng:
“Cái này cũng không rõ” và chuyển sang đổ trách nhiệm “do nhà mạng”. Trong khi đó, ban quản lý là đơn vị trung gian giữa nhà mạng với người dân, Vinasinco hoàn toàn có thể kết nối với nhà mạng để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Hiện tại, phóng viên của báo Giáo Dục Việt Nam đã gửi lời "cầu cứu" của cư dân tòa nhà N05 tới các mạng viễn thông di động để tìm lời giải đáp thỏa đáng và hướng xử lý trong vụ việc này. Thông tin sẽ nhanh chóng gửi tới độc giả trong thời gian tới!