Cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam to lớn chưa từng có

19/02/2021 06:19
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế dự đoán, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm số ít các quốc gia có lợi thế tăng trưởng trong năm 2021.

Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới (với lần đầu tiên kinh tế các nước đang phát triển khu vực châu Á tăng trưởng - 0,7% kể từ đầu những năm 1960), trong đó có Việt Nam, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực và nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương và phục hồi kinh tế nhanh.

Đặc biệt, hành trang còn có cả kỳ vọng tạo những đột phá toàn diện và sâu sắc hơn trên hành trình đổi mới và hiện đại hóa ở Việt Nam đang được định vị và mở ra từ sự nhất trí cao trong công tác chuẩn bị nhân sự và chất lượng văn kiện trình Đại hội XIII.

Sự đồng thuận và tin cậy của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, năng lực, uy tín quản lý Nhà nước và sự năng động, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm mới từ lớp cán bộ mới “đủ tâm, đủ tầm”, được lựa chọn bầu trong và sau Đại hội XIII của Đảng, cũng như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Kết quả Đại hội XIII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào thời kỳ phát triển mới. Đồng thời, được cộng hưởng và tỏa sáng từ những thành tựu phát triển bền vững của Việt Nam, với vị thế là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững 2020.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam hiện là 0,704 - lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập.

Thành công của Đại hội 13 là tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Ảnh: TTXVN.

Thành công của Đại hội 13 là tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam tự tin bước vào năm 2021 với hành trang dựa trên những thành tựu chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận thuộc nhóm thành công nhất thế giới, cũng như sức chống chịu và đà tăng trưởng kinh tế dương 2,91% GDP năm 2020; Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN.

Bội chi ngân sách nhà nước và lạm phát được kiểm soát vững chắc ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất siêu hàng hóa liên tục 5 năm qua và đạt trên 19,1 tỷ USD năm 2020. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư. Dự trữ ngoại hối tăng trên 90 tỉ USD.

Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng dương cao nhất so với năm nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.

Động lực đó còn được củng cố và bổ sung mới từ những đột phá thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để đưa Việt Nam thuộc số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả về lượng và chất, với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chiếm khoảng 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Đồng thời, xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; các thành tựu trong cải thiện hạ tầng viễn thông, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính và an toàn, an ninh mạng; trong xây dựng Chính phủ điện tử và các thành phố thông minh trên toàn quốc.

Yếu tố quyết định làm căn cứ cho những chỉ báo lạc quan nêu trên về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam là sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của Covid-19 (Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong số ít những quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được kết quả phòng, chống Covid-19 tốt nhất thế giới).

Năm 2020, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn thắng đậm cả về được mùa, được giá và xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán, dự kiến thu về khoảng 3 tỷ USD.

Sân chơi hội nhập cũng mở rộng hơn với việc Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam-Anh…

Trong bối cảnh suy giảm dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2020 đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thông điệp cho thấy tiềm năng và triển vọng gia tăng mạnh hơn dòng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.

Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt giải "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của tổ chức World Travel Awards (WTA - Giải thưởng Du lịch Thế giới) đã khẳng định sức cuốn hút về bề dày văn hóa, lịch sử và thành công của du lịch Việt Nam...Trong loạt giải thưởng Việt Nam giành được ở châu Á, Việt Nam vinh dự đứng đầu ở 3 hạng mục: Điểm đến di sản, Điểm đến văn hóa và Điểm đến ẩm thực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục trên.

Ngoài ra, Việt Nam còn giành danh hiệu Điểm đến golf tốt nhất châu Á lần thứ 4 liên tiếp; đứng đầu 16 hạng mục khác ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, resort...

Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn sẽ là một kênh đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nội địa. Ảnh: TTXVN.

Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn sẽ là một kênh đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nội địa. Ảnh: TTXVN.

Những thành tựu đạt được trong năm qua là cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và sự tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan.

Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta.

Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp.

Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo, giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ để hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với các cơ quan, địa phương chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới và công tác kiện toàn bộ máy chính quyền tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép...

Tất cả, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021 tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay là to lớn chưa từng có, được cộng đồng trong nước và thế giới ghi nhận. Đây là kết quả tổng hợp, thước đo khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khẳng định chất lượng thể chế, hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường của Đảng, Nhà nước, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.

Hành trang năm mới có cả những kết quả, thành tựu và kinh nghiệm từ năm cũ và những cơ hội, động lực của năm mới…Tất cả cho phép chúng ta tự tin vượt qua mọi thách thức của năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nổi lên như một điểm sáng đáng tự hào về phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong