Có đường để đi bộ, dân ta có thèm đi không?

04/02/2016 09:47
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN)- "Dẹp bỏ tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường làm bãi đỗ xe, kinh doanh, nhưng người dân vẫn vi phạm luật giao thông thì chưa giải quyết được vấn đề".

LTS: Công an thành phố Hà Nội đã chính thức áp dụng chế tài xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông.

Theo đó, các lỗi vi phạm giao thông chủ yếu của người đi bộ gồm: Đi không đúng làn đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người đi bộ phạm luật, trong đó có ý thức của người tham gia giao thông chưa cao… Mặt khác, việc thực hiện chế tài xử phạt này cũng cần tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Để làm rõ vấn đề này, hôm 3/2 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải)

PV: Ông đánh giá như thế nào về chế tài xử phạt cưỡng chế người đi bộ vi phạm giao thông?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Chúng ta đã áp dụng nghị định 171 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. 

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nghị định đã có từ lâu, nhưng việc xử phạt theo luật này chưa phổ biến như bây giờ.

Ông nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải). ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn
Ông nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải). ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn

Về quan điểm, tôi ủng hộ việc thực thi luật này. Bởi lẽ, dù là ai đi chăng nữa, khi điều khiển phương tiện ô tô, xe máy, hoặc đi bộ đều phải tuân thủ pháp luật. 

Luật đường bộ, đường sắt giúp người dân nâng cao ý thức giao thông trong cộng đồng. Quan trọng hơn cả là bảo vệ an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.

Năm 2015, số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh có gần 100 người tử vong khi đi bộ, trong đó nhiều trường hợp không chấp hành luật giao thông.

Trong khi đó chúng ta đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nhưng ý thức chấp hành của nhiều người vẫn chưa cao. Do đó tình trạng vi phạm giao thông hiện nay còn tương đối phổ biến.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, cần áp dụng biện pháp xử phạt cưỡng chế các hành vi vi phạm.

Xử phạt cưỡng chế cũng là một hình thức giáo dục, phổ

Có đường để đi bộ, dân ta có thèm đi không? ảnh 2

Muốn đi bộ đúng luật, đường đâu mà đi?

biến pháp luật, để người dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đảm bảo tính mạng không chỉ cho bản thân mà nhiều người khác.

Theo tôi báo chí, dư luận nên ủng hộ cơ quan chức năng khi họ thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Có ý kiến cho rằng, trước khi áp dụng chế tài xử phạt cưỡng chế người đi bộ vi phạm, trước mắt Hà Nội cần dẹp bỏ tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường làm bãi đỗ xe, kinh doanh, buôn bán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Đúng, nhưng chưa đủ.

Vấn đề còn nằm ở ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa được tốt.

Nếu dẹp bỏ tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường làm bãi đỗ xe, kinh doanh, nhưng người dân vẫn vi phạm luật giao thông thì chưa giải quyết được vấn đề.

Các anh ra đường nhìn mà xem, người ta tự ý băng qua đường, ở những vị trí không được phép, bên cạnh là hàng trăm phương tiện đang lưu thông.

Thậm chí, khi có vạch chỉ đường hẳn hoi, nhưng người đi bộ cũng không theo đúng chỉ dẫn của biển báo.

Trên đường Hào Nam, lòng đường, vỉa hè đều bị lấn chiếm làm nơi đậu xe. Ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn
Trên đường Hào Nam, lòng đường, vỉa hè đều bị lấn chiếm làm nơi đậu xe. Ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn

Mặt khác, trong điều kiện của nước ta bây giờ, nếu chờ kinh phí để chỉnh trang, dọn dẹp đường xá, vỉa hè bị lấn chiếm, sau đó mới áp dụng chế tài này, thì chưa biết lúc nào mới thực hiện được. 

Làm sao để người dân tuân thủ pháp luật được tốt hơn bên cạnh việc áp dụng chế tài xử phạt này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Thực tế, trong những ngày đầu ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm, lực lượng chức năng chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở, kết hợp với tuyên truyền phổ biến pháp luật là chính.

Cũng nên cân nhắc việc áp dụng xử phạt cưỡng chế đối với những vi phạm lần đầu, bởi lẽ, nhận thức của người dân về luật khi tham gia giao thông của mỗi người có sự khác nhau. 

Nếu người ta cố tình vi phạm, khi đó xử phạt cũng chưa muộn.

Trên đường Trần Nguyên Hãn, người đi bộ buộc phải vi phạm giao thông vì lòng đường, vỉa hè đã bị lấn chiếm (ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn)
Trên đường Trần Nguyên Hãn, người đi bộ buộc phải vi phạm giao thông vì lòng đường, vỉa hè đã bị lấn chiếm (ảnh: Quốc Toản/Giaoduc.net.vn)

Do đó, về lâu dài, cần tăng cường phổ biến pháp luật đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Bên cạnh đó, cần chấm dứt việc phương tiện, quán nước... lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không để tình trạng người dân sử dụng khu vực dành cho người đi bộ để kinh doanh, buôn bán; Chỉnh trang lại hệ thống đèn tín hiệu, biển báo vạch kẻ đường…

Các giải pháp này cần được thực hiện song song, đồng bộ.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)