Phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều bạn đọc cho biết, một trang web có phiên bản, nội dung nhảm nhí như Haivl.com bị đóng cửa trước đó đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook. Thông tin khẳng định, trang web có tên haivainoi.com này chính là website mới của Haivl.com được lấy tên miền khác.
Trước đó ngày 24/10, Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã ra Quyết định số 163/QĐ-PTTH&TTĐT về việc thu hồi giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 27/GXN-TTĐT ngày 22/3/2013 do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cấp cho Công ty cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam, vì trang mạng này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về thông tin điện tử trên mạng.
Giao diện của website haivainoi.com khá giống với trang web Haivl.com |
Việc Haivl.com bị đóng cửa được dư luận xã hội ủng hộ bởi nội dung trang web nhảm nhí, thiếu tính giáo dục. Thậm chí trang web này còn trao đổi, truyền đưa thông tin xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc…
Trong khi đó, giao diện website haivainoi.com được cho là Haivl.com lách luật hồi sinh khá giống với trang web Haivl.com bị đóng cửa trước đó. Thông tin về tên miền cũng được giấu kín, không thể tra cứu được, máy chủ trang web được đặt tại Mỹ.
Tương tự, nội dung của haivainoi.com cũng khá giống với Haivl.com khi đăng tải những mẩu chuyện, hình ảnh cùng lời bình nhảm nhí.
Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra khi một website sau khi đóng cửa Admin liệu có thể đưa nội dung trang web đó sang trang web với tên miền khác? Trong trường hợp trang website có máy chủ đặt tại nước ngoài vấn đề quản lý thông tin trang web này như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty Bkav.
Sau khi truy cập vào địa chỉ tên miền haivainoi.com, trao đổi với phóng viên ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, chưa thể khẳng định tất cả nội dung của trang web Haivl được chuyển sang trang web mới với tên miền khác. “Đây rất có thể là trang web được xây dựng nhằm ăn theo Haivl”, ông Tuấn Anh khẳng định.
“Về mặt kỹ thuật, Admin một website hoàn toàn có thể đưa dữ liệu thông tin, nội dung sang trang web mới với tên miền khác”, ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
Phân tích rõ hơn, ông Ngô Tuấn Anh cho biết để một website hoạt động cần 2 yêu tố tên miền và một sever để chứa nội dung. Trong trường hợp một tên miền bị thu hồi không được phép hoạt động người ta hoàn toàn có thể mua tên miền mới đưa nội dung sang để quảng bá. Tuy nhiên để những người truy cập biết được địa chỉ mới thì lại là vấn đề khác.
Trong khi đó, dù server trang web đặt ở trong nước hay ngoài nước vẫn phải chịu sự quản lý của nhà nước về mặt thông tin. Còn về mặt kỹ thuật, khi máy chủ một trang web đặt tại nước ngoài chế tài xử lý sẽ không thuận lợi bằng trang web trong nước.
“Vì vậy thường trang web bị thu hồi giấy phép hoạt động thì server nội dung cũng bị niêm phong, tạm thu hồi”, ông Ngô Tuấn Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Ngô Tuấn Anh, để quản lý ngăn chặn trang web có nội dung nhảm nhí, thiếu tính giáo dục có server đặt tại nước ngoài... các nhà cung cấp mạng Internet như VNPT, FPT, Viettel… với tư cách như đường biên giới Internet sẽ có trách nhiệm loại trừ trang web này. Tất nhiên việc loại trừ trang web này phải có sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng liên quan đến việc đóng cửa vĩnh viễn trang mạng haivl.com, chính admin của trang web này cảnh báo: "Mọi trang khác có nội dung, hình thức tương tự haivl đều không phải của haivl và không có bất kỳ mối liên hệ nào với haivl. Các bạn hãy cẩn thận khi truy cập những trang web này, đề phòng bị lợi dụng hoặc máy tính bị nhiễm mã độc/virus".
Chỉ trong một thời gian ngắn, haivl.com đã trở thành trang mạng rất “hot” tại Việt Nam nhờ vào những thông tin câu khách rẻ tiền, vượt ra nhiều quy định của pháp luật.
Theo thống kê, haivl.com sở hữu trên 37 triệu lượt truy cập, fanpage của trang này thu hút trên 4,4 triệu lượt like, gần 16.000 người theo dõi trên twitter.
Trước khi bị thu hồi giấy phép và đóng cửa vĩnh viễn trang web Haivl được Công ty cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h mua với giá 33 tỷ đồng. Thương vụ gây chú ý không chỉ bởi giá trị chuyển nhượng lớn mà còn những tranh luận xung quanh nội dung được cho là phản cảm của website này.