Vụ việc cháu bé học lớp 1 Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy - Hà Nội tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón từ sáng đến chiều đặt ra nhiều câu hỏi về quảng cáo và sự thật phía sau những quảng cáo đó của các cơ sở kinh doanh giáo dục mang thương hiệu “Trường quốc tế”.
Trước khi phân tích sự việc, xin cùng các vị phụ huynh, các bậc ông bà, cha chú chia buồn cùng gia đình cháu, mong cháu thanh thản ra đi và tha thứ cho những người lớn đã không làm tròn bổn phận của mình.
Trong thông điệp giới thiệu hệ thống trường Gateway, ông Donald Edward Williams - Tổng hiệu trưởng viết:
“Hệ thống giáo dục của Gateway đang lớn mạnh từng ngày cùng với tầm nhìn tuyệt vời về tương lai, về một môi trường học tập cân bằng, an toàn và lành mạnh.
Hãy tới và trải nghiệm bầu không khí vui tươi, nhiệt thành, tràn đầy yêu thương đang được lan tỏa bởi tất cả học sinh – phụ huynh – giáo viên tại nơi đây”. [1]
Thông điệp của ông Donald Edward Williams trên Website trường quốc tế Gateway (Ảnh chụp màn hình sáng ngày 07/08/2019) |
“Môi trường học tập cân bằng, an toàn và lành mạnh” thế nào, giáo viên “nhiệt thành, tràn đầy yêu thương” thế nào khi cháu bé chỉ mới ngày thứ hai đến trường đã tử vong vì sự vô trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trường này?
Nếu biết rằng học phí bậc tiểu học mà phụ huynh phải bỏ ra theo quy định của trường Gateway năm học 2019-2020 là 117.700.000 triệu đồng, chưa bao gồm “phí học liệu, tiền ăn, bus và phí trông muộn”.
Được biết sáng 07/08/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án theo điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội “Vô ý làm chết người”.
Tuy nhiên người viết cho rằng vụ việc phải được xem xét trên cơ sở hai tội danh:
Thứ nhất, tại điều 129: “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Rõ ràng việc đưa đón học sinh phải được nhà trường quy định cụ thể, công ty nhận hợp đồng xe đưa đón cũng phải tuyển chọn lái xe cẩn thận, tất cả các đối tượng liên quan đã vi phạm “quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” chứ không chỉ đơn thuần “vô ý làm chết người” với khung hình phạt nhẹ hơn trong điều 128.
Thứ hai, điều 360 quy định tội danh: “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, đây là tội danh nên được xem xét bởi tội này có thể áp với cá nhân có chức vụ, quyền hạn, cụ thể là các chức danh lãnh đạo trường Gateway.
Với những người này không thể vận dụng điều 128 bởi họ không trực tiếp phạm tội.
Quy tội danh nào là thẩm quyền của cơ quan tố tụng hình sự song người viết cho rằng việc khởi tố vụ án như vậy là kịp thời.
Dù với tội danh nào thì cũng không thể nói đây chỉ là “vô ý” hoặc “thiếu trách nhiệm” mà chính xác phải là “vô trách nhiệm” và cũng không thể nói “gây hậu quả nghiêm trọng” mà gây tội ác, cướp đi sinh mạng cháu bé vừa cắp sách đến trường được hai ngày.
Trẻ chết trên xe đưa đón: Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức |
Mặt khác, quá trình tố tụng không thể chỉ áp dụng với các “thể nhân” tức là những cá nhân liên quan bao gồm lái xe, người đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo trường,… mà còn liên quan đến “pháp nhân” tức là với Trường liên cấp quốc tế Gateway.
Có hay không việc trắng trợn lừa dối dư luận khi trường này ra thông báo:
“Chiều thứ Ba, ngày 06/08/2019, vào khoảng 16h, chúng tôi đã phát hiện sự việc em L.H.L lớp 1 của trường bất tỉnh trên xe buýt.
Ngay sau khi phát hiện, nhân viên chúng tôi đã đưa em vào Phòng Y tế để sơ cứu, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa em đến Bệnh viện E gần nhất nhưng rất tiếc em đã không qua khỏi”.
Báo Infonet.vn viết: “Theo camera an ninh ghi lại, cháu bé khi được bảo vệ bế từ trên xe xuống được cho là đã tử vong.
Tuy nhiên, bà Hạnh (Chủ tịch Hội đồng trường Gateway - NV) vẫn (trắng) trợn nói dối các phụ huynh khi khẳng định cháu bé chỉ “bất tỉnh” trên xe và được “đưa vào phòng y tế để sơ cứu”. [2]
Một ngôi trường quảng cáo rất hoành tráng, thu học phí cao hơn cả đại học, gắn với mỹ danh “Trường quốc tế (International School)” mà từ lái xe đến giáo viên và Chủ tịch Hội đồng trường lại vô trách nhiệm và dối trá đến thế khiến dư luận không thể không nêu câu hỏi, mục tiêu lợi nhuận nằm ở vị trí nào trong các tiêu chí của trường?
Liệu đã đến lúc xem xét sự tồn tại của kiểu trường làm ăn như thế này?
Cũng cần phải nói rằng, không thể chỉ xem xét trách nhiệm của trường Gateway và một số cá nhân liên quan mà cũng cần rà soát việc quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương đối với các cơ sở giáo dục “quốc tế” trên địa bàn?
Đã khởi tố vụ án học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì bị bỏ trên xe đưa đón |
Đã có bao nhiêu đợt thanh tra mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy đã tiến hành tại các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài kể từ khi các cơ sở này chính thức đi vào hoạt động?
Liệu có tồn tại quan điểm cứ “Trường quốc tế” là chất lượng cao, là an toàn và không cần thiết phải kiểm tra, giám sát?
Một số vấn đề sau cần được xem xét:
1. Nội quy làm việc của nhà trường có bắt buộc giáo viên chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh khi học trò vắng mặt không rõ lý do;
2. Những xe chuyên được sử dụng làm phương tiện đưa đón các cháu học sinh có trang bị thiết bị báo động (hoặc liên lạc) từ bên trong khi cửa bị khóa;
3. Trên thành xe có còn các công cụ phá cửa (búa) và các cháu có được người đưa đón phổ biến những thao tác an toàn cần thiết giống như các tiếp viên hàng không thường làm trước các chuyến bay trong trường hợp xảy ra sự cố?
Xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội cũng không thể làm nguôi ngoai nỗi buồn và tổn thất quá lớn của gia đình nạn nhân song là cần thiết để cảnh tỉnh, răn đe cách làm ăn chụp giật mà không ít người thực hiện khi kinh doanh giáo dục.
Cũng là lời cảnh báo đối với các nhà giáo khi được giao nhiệm vụ quản lý các học sinh còn nhỏ tuổi.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://gateway.edu.vn/gioi-thieu.html
[2] https://infonet.vn/ai-la-chu-dau-tu-cua-he-thong-truong-gateway-post308672.info