Cước 3G tăng giá, Viettel trách cứ Hiệp hội Vận tải Việt Nam

29/10/2013 15:59
Hoàng Lực
(GDVN) - Liên quan đến giá cước 3G tăng ảnh hưởng đến hàng chục ngàn thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô ngừng hoạt động trên diện rộng do không kịp nạp tài khoản, “Sáng nay Viettel có đến Hiệp hội làm việc với chúng tôi... họ bảo họ tăng cước là đúng và đổ lỗi cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình không chịu cập nhật”, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, sau khi các nhà mạng viễn thông lớn đồng loạt thay đổi cách tính cước 3G, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải ô tô.

Viettel nói không tăng giá


Cụ thể, theo kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, do cách tính cước tăng đột ngột của nhà mạng Viettel khiến hàng chục ngàn thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô ngừng hoạt động trên diện rộng do không kịp nạp tài khoản. Trong khi đó, theo quy định hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc thiết bị không hoạt động sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng/đầu xe và tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với tài xế.
Các hãng viễn thông lớn đổi cách tính cước 3G khiến hộp đen của hàng ngàn phương tiện vận tải tê liệt.
Các hãng viễn thông lớn đổi cách tính cước 3G khiến hộp đen của hàng ngàn phương tiện vận tải tê liệt.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Hiện Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính vào cuộc trong việc 3G tăng cước bất thường. Đồng thời đề nghị Viettel áp dụng cách tính cước đúng theo lưu lượng truyền tin thực tế (không tính theo block) đối với các gói cước trên ô tô vận tải hành khách và hàng hóa. Trước phản ánh của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Hà Thành - Ban Truyền thông Tập đoàn Viễn thông Quân đội khẳng định: Viettel không tăng giá các gói cước data dịch vụ giám sát phương tiện vận tải.
Để minh chứng, bà Thành đã gửi cho phóng viên thông báo của Viettel liên quan đến thông tin gói cước dịch vụ giám sát phương tiện vận tải. Trong thông báo này ghi rõ dịch vụ chính thức cung cấp dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-tracking từ đầu năm 2011, sau gần 3 năm hiện Viettel đã có hơn 15.000 thuê bao. Theo thông báo của Viettel, doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn gói dịch vụ tùy theo nhu cầu sử dụng trong 6 gói cước trả sau của Viettel với chi phí chỉ từ 15.000đ/tháng. Các gói cước chuyên biệt này được Viettel thiết kế với giá ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vận tải và để chia sẻ với các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong đợt điều chỉnh cước các dịch vụ data vừa qua, Viettel không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ này. Thông báo ghi rõ nhiều doanh nghiệp đã mua và sử dụng các sim Dcom, di động thông thường để sử dụng vào mục đích giám sát phương tiện vận tải, nên đã chịu ảnh hưởng khi giá cước 3G được điều chỉnh. Nhà mạng Viettel cho rằng để tiết kiệm chi phí, các công ty vận tải và các công ty khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ data để định vị, kết nối internet nên đăng ký sử dụng các gói cước chuyên biệt cho dịch vụ Giám sát phương tiện vận tải của Viettel. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng các sim D-com và Mobile Internet thông thường (vốn được sử dụng vào mục đích khác) thì Viettel không thể quản lý được trên hệ thống để áp dụng mức cước ưu đãi.Viettel "lên lớp" chúng tôi Trước câu trả lời của Viettel, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Sáng 29/10 đại diện nhà mạng viễn thông Viettel và đại diện Bộ Thông tin Truyền thông đã có buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Tuy nhiên mọi vấn đề vẫn chưa được giải quyết. “Sáng nay Viettel có đến Hiệp hội làm việc với chúng tôi nhưng chưa đâu vào đâu cả, họ bảo họ tăng cước là đúng và đổ lỗi cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình không chịu cập nhật”, ông Thanh cho biết. Theo ông Thanh, đại diện Viettel và bên Bộ thay vì làm việc thiện chí lại trách cứ, “lên lớp” Hiệp hội. “Mình tưởng họ đến cầu thị nhưng thái độ của họ lại lên lớp chúng tôi họ cho rằng một sự việc như vậy chưa trao đổi gì đã làm ầm ĩ lên... ”, ông Thanh bức xúc. “Họ cũng nói chúng tôi không trung thực. Hôm nay họ cũng giới thiệu gói cước ưu đãi tuy nhiên theo giá cước đưa ra thì vẫn cao hơn so với trước đây”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: "Viettel "lên lớp" chúng tôi". Ảnh dailo.vn
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: "Viettel "lên lớp" chúng tôi". Ảnh dailo.vn
Bày tỏ ý kiến về việc tăng giá cước của nhà mạng Viettel lúc này, ông Thanh cho rằng không hợp lý vì đây đã là khoảng thời gian cuối năm, trong khi trước đó các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình đã ký với doanh nghiệp vận tải từ trước. “Bây giờ tự nhiên Viettel tăng cước lên mà không trao đổi bàn bạc với doanh nghiệp thậm chí doanh nghiệp còn đi tìm Viettel để trao đổi nhưng không ai tiếp cả. Thậm chí công văn chúng tôi gửi sang Viettel họ cũng nói không nhận được? Tôi không hiểu...”, ông Thanh cho biết. Qua trao đổi ông Thanh cho biết, trước đây giá cước dịch vụ 3G cho thiết bị giám sát hành trình trước đây chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/tháng, tuy nhiên theo cách tính mới giá cước lên thì đến 100.000 đồng/tháng. “Làm gì có mức tăng gấp 2-3 lần như vậy. Sáng nay họ (đại diện Viettel – PV) có nói tăng lên 100.000 đồng/tháng chẳng là gì, doanh nghiệp không phá sản được. Nói như vậy họ coi nhẹ đồng tiền quá. Với Viettel 100.000 đồng không là gì nhưng với doanh nghiệp giao thông vận tải với hàng chục đến hàng trăm đầu xe mỗi tháng chi phí tăng lên đáng kể. Trong khi doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn như hiện nay”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm. Cũng theo ông Thanh, hiện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp vận tải với số đầu xe lên đến 48.000 việc tăng giá cước sẽ khiến doanh nghiệp mất đi số tiền rất lớn. Đưa quan điểm của Hiệp hội trong việc nhà mạng tăng giá cước 3G, ông Thanh cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của Hiệp hội là giữ nguyên cách tính cước 3G với dịch vụ giám sát hành trình trên xe ô tô như trước ngày 16/10. Nếu muốn tăng trong năm 2014 thì đầu tháng 12 sẽ bàn bạc làm việc cụ thể”. Được biết chiều nay (29/10) các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và Viettel sẽ tiếp tục gặp nhau và có buổi làm việc với nhau để đưa ra hướng giải quyết.
Hoàng Lực