Cảnh sát biển Việt Nam quyết tâm bám biển, kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình yêu cầu giàn khoan và đội tàu hộ tống Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. |
National Interest ngày 5/8 đăng bài bình luận của Bill Hayton nhận định, dù có lựa chọn số liệu nào thì cuộc phiêu lưu mang tên giàn khoan 981 của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông đã trở thành thảm họa với chính sách đối ngoại của họ.
Chẳng có giọt dầu nào mới có thể khai thác được cho thị trường Trung Quốc, cũng không có vùng lãnh thổ hàng hải nào mới Trung Quốc có thể chiếm được và lợi thế khu vực đã trở về tay Hoa Kỳ. Tình đoàn kết trong ASEAN được củng cố và những quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc đã bị suy yếu nghiêm trọng.
Hoạt động hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã chứng minh là không đủ năng lực. Tại sao tất cả mọi thứ lại trở nên sai lầm như vậy? Chúng ta không thể biết những gì các lãnh đạo Trung Quốc mong muốn sẽ đạt được khi phe duyệt việc triển khai giàn khoan 981 cùng hạm đội tàu hộ tống cả trăm chiếc vào vùng đặc quyền inh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Có vẻ như không có gì chắc chắn rằng giàn khoan 981 chỉ là một nỗ lực tìm kiếm dầu khí bởi có nhiều nơi tốt hơn nó có thể khảo sát. Vào ngày 19/3 tập đoàn Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố đã phát hiện ra một mỏ khí cỡ vừa ở vùng biển của họ gần sát đảo Hải Nam. Việc khai thác bị đình trệ để thực hiện cuộc "phiêu lưu 981" xa hơn xuống phía Nam.
Trong khi đó hai khu vực giàn khoan 981 hạ đặt (trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam - PV) không có triển vọng tốt về hydorcarbon. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ năm 2013 cho biết xung quanh khu vực này tiềm năng tìm thấy dầu khí rất thấp. Có vẻ như điều quan trọng là CNOOC vốn có kinh nghiệm điều hành hoạt động khai thác thăm dò ở nước ngoài đã không trực tiếp tham gia cuộc phiêu lưu này.
Mặc dù công ty con của CNOOC, COSL đã được giao vận hành giàn khoan, nhưng về tổng thể do Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) có ít nhiều "kinh nghiệm" thăm dò ở Biển Đông trực tiếp chỉ đạo.
Giàn khoan 981 kết thúc cuộc phiêu lưu của mình trước tuyên bố 1 tháng khi đối mặt với sự xuất hiện của cơn bão Rammasun, CNPC tuyên bố rằng giàn khoan này đã tìm thấy hydrocarbon nhưng lại không nêu được đánh giá chi tiết về trữ lượng. Gần như chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ khai thác được ở vị trí này với cả hai lý do kỹ thuật và chính trị. Hoạt động này không thực sự nhằm vào dầu khí.
Một động cơ có thể được loại bỏ một cách an toàn. Hoạt động này không phải là một nỗ lực để đánh thức chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc bởi tin tức về các vụ đụng độ giữa đội tàu bảo vệ giàn khoan 981 với tàu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam chỉ được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin 1 tuần sau đó.
Giàn khoan 981 đã thực hiện 1 cuộc phiêu lưu và thất bại thực sự. |
Vụ 981 tuy nhiên cũng có thể là một mục đích chính trị bởi hoạt động với quy mô cường độ lớn như vậy phải được hoạch định tốt từ lâu và được phê duyệt ở cấp cao nhất. Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan 981 đã hạ đặt (trái phép) hôm 3/5, đúng 1 tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar.
Có lẽ Bắc Kinh đã hy vọng lặp lại thành công của mình như tại hội nghị này năm 2012 diễn ra tại Campuchia khi sử dụng Phnom Penh để cô lập Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.
Nếu Bắc Kinh hy vọng sẽ đạt được điều tương tự (khi hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), hiệu quả có thể hoàn toàn ngược lại, biến thành hậu quả. ASEAN đã thể hiện sự thống nhất khi ra tuyên bố chung có hiệu lực để Bắc Kinh quay trở lại. Đây là lần đầu tiên tổ chức khu vực này thống nhất cao như thế, mặt khác tranh chấp lại là song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, không giống như tranh chấp đa phương ở quần đảo Trường Sa (thực tế là Việt Nam không tranh chấp với ai, chỉ có Trung Quốc nhảy vào tranh chấp - PV).
Một số nhà bình luận cho rằng các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua là một quá trình lấn chiếm dần bằng các bước đi nhỏ mà không thu hút quá nhiều phản ứng. Nhưng nếu đó là mục đích của Bắc Kinh thì đến nay nó cũng đã thất bại vơi sự rút lui của giàn khoan 981. Một lần nữa các "lát cắt xúc xích Ý đã liên kết lại".
Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nghĩ rằng 1 tuyên bố kiểm soát hàng hải sẽ tăng cường yêu sách của họ ở Biển Đông, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam lại là sự kiểm chứng khá tốt.
Nhà phân tích Hugh White người Úc cho rằng mục đích của Trung Quốc trong vụ 981 là cố tình kéo dài và làm suy yếu các mối liên hệ ràng buộc an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á. Bằng cách đe dọa các bạn bè, đồng minh của Mỹ, Trung Quốc buộc Mỹ phải đối mặt với sự lựa chọn giữa bỏ rơi bạn bè ở Biển Đông hay chiến đấu chống lại Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đánh cược rằng khi đối mặt với sự lựa chọn này, Mỹ sẽ bỏ đi và đồng minh, đối tác của Mỹ không được hỗ trợ. Điều này làm suy yếu liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ, làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở châu Á, qua đó tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên Việt Nam không phải một đồng minh của Hoa Kỳ, vì vậy Trung Quốc đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm mục tiêu. Nhưng trái với mong đợi, hành động kích động đối đầu của Bắc Kinh đã đẩy Việt Nam gần hơn về phía Mỹ.
Nhà phân tích Zachary Abuza đã lưu ý rằng một cuộc họp tháng 6 vừa qua của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí lên án sự xâm lược và xâm lấn của Trung Quốc. Cuối tháng Bảy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thực hiện một chuyến thăm tới Hoa Kỳ theo lời mời của Bộ Ngoại giao.
Tóm lại, bất cứ điều gì Trung Quốc hy vọng có thể đạt được trong vụ giàn khoan 981 như tìm kiếm dầu, bành trướng trên biển hoặc chiến lược dài hạn cuối cùng đều chẳng đạt được gì.