Đại gia ngoại dồn tỷ đô "thâu tóm" BĐS ế Việt Nam

11/05/2014 07:26
Khi các DN trong nước đang kiệt sức thì các đại gia ngoại mạnh tay đổ hàng tỷ USD, thâu tóm và thống lĩnh các dự án lớn BĐS Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu năm 2014, hàng loạt dự án khủng vào bất động sản được công bố khiến nhiều người dự đoán, đây sẽ là năm khởi sắc cho thị trường sau thời gian dài tụt dốc.

Sự quay lại của dòng vốn FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, quý I/2014, có 252 dự án có vốn FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 392 triệu USD.

Trong giai đoạn 2009-2013, khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) liên doanh với Becamex là dự án duy nhất có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau một năm yên ắng, đầu năm 2014, dòng vốn FDI vào BĐS lại bùng nổ qua dự án khu chung cư của tập đoàn Sun Wah có tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Đầu tháng 1, tập đoàn Rose Rock, doanh nghiệp đầu tư của gia đình tài phiệt dầu mỏ Rockerfeller sẽ chi 2,5 tỷ USD Mỹ vào một dự án xây dựng chung cư và khách sạn tại Tuy Hòa, Phú Yên.

Dòng vốn ngoại đổ vào BĐS tiếp tục tăng.
Dòng vốn ngoại đổ vào BĐS tiếp tục tăng.

Không chỉ đầu tư các dự án mới, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ mua bán dự án trong nước cũng tăng mạnh.

Đầu năm, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM). Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Hàng Hải (Marproco), đơn vị sở hữu và khai thác tòa nhà Gemadept Tower, do Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept) sở hữu 100% vốn đã chuyển nhượng 85% vốn góp cho CJ.

Tỷ phú người Israel Igal Ahouvi tham gia thị trường VN với việc thâu tóm Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Dự án có tổng số vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD, gồm 200 biệt thự và 400 căn hộ.

Theo một công ty tư vấn, rất nhiều doanh nhân đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc... đang rất muốn làm chủ các dự án BĐS Việt Nam. Bên cạnh đó, không ít các công ty từ Trung Đông và Nga cũng muốn góp vốn vào thị trường BĐS ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Nhiều yếu tố kích hoạt


Bất chấp những khó khăn của thị trường BĐS trong nước, các nhà đầu tư ngoại vẫn gặt hái được thành công. Indochina Land đạt doanh thu hơn 46 triệu USD. Thâm nhập Việt Nam từ hơn 15 năm trước, tổng doanh thu hạng mục kinh doanh nhà ở do công ty quản lý đạt gần 352 triệu USD.

Tiềm năng BĐS VN còn rất lớn.
Tiềm năng BĐS VN còn rất lớn.

CapitaLand, một nhà đầu tư tới từ Singapore đánh dấu thành công trên thị trường qua Mulbery lane (Mỗ Lao, Hà Đông) hay The Vista (phường An Phú, quận II, TP.HCM). CapitaLand đã đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị tài sản 1,2 tỷ USD cho phát triển các dự án nhà ở và 200 triệu USD cho Ascott (công ty con chuyên về căn hộ dịch vụ).

Đầu năm 2014, Keppel Land (Singapore) đang có kế hoạch liên doanh với Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate đầu tư dự án khu đô thị Hanoi Westgate tại huyện Quốc Oai có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD.

Các nhà đầu tư ngoại đánh giá thị trường BĐS trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng gặt hái thành công. Không ít dự án có vốn ngoại vẫn để hoang, cỏ mọc um tùm, rồi kiện cáo, khiếu nại, thậm chí chủ đầu tư bỏ trốn.

Theo một đơn vị tư vấn, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam đang dần quay lại, báo hiệu sự phục hồi của kênh đầu tư này trong năm nay. Nhân tố kích hoạt sự quay trở lại của dòng vốn FDI là thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lại cùng những chuyển biến khả quan của nền kinh tế thế giới.

So sánh với các nước trong khu vực, thị trường BĐS VN vẫn có nhiều lợi thế. BĐS Myanmar có nhiều tiềm năng nhưng khung pháp lý chưa rõ ràng, trong khi đó, thị trường Lào và Campuchia không lớn, còn Thái Lan cạnh tranh rất khắc nghiệt. Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và muốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, vì giá bất động sản của Việt Nam hiện rẻ hơn so với Trung Quốc.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam dự đoán chắc nịch: “Chắc chắn FDI vào bất động sản sẽ tăng lên trong thời gian tới”.