Giáo sư David A. Welch, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế từ Trường Balsillie, Đại học Waterloo ngày 24/6 bình luận trên The Diplomat về những gì Bắc Kinh mong muốn đạt được bằng cách đàm phán song phương trong giải quyết các tranh chấp hết sức phức tạp ở Biển Đông.
Tác giả không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh ra sức chối bỏ gay gắt vai trò và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines.
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng Philippines sẽ giành chiến thắng trong một số nội dung quan trọng, nếu không được tất cả thì cũng hủy bỏ được một số yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
Vấn đề Giáo sư David A. Welch đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại thích đàm phán song phương đến vậy? Họ mong muốn hay sợ hãi điều gì? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói gì về điều này trước dư luận thế giới?
Tàu Kiểm Ngư Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm húc hung hãn và nguy hiểm khi tuần tra và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014. Ảnh: bluebird-electric.net. |
Tiền đề Trung Quốc đặt ra cho "đàm phán song phương" đẩy mọi cuộc đàm phán vào bế tắc
Theo Giáo sư David A. Welch, lựa chọn "đàm phán song phương" của Trung Quốc trên Biển Đông là đặc biệt khó hiểu khi họ đặt ra tiền đề cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông từ thời cổ đại".
Người viết xin nói rõ thêm, Trung Quốc buộc đối phương phải thừa nhận điều này, rồi mới có thể đàm phán gì thì đàm phán.
Dư luận rất dễ nhận thấy điều vô lý trong cái tiền đề này, bởi đàm phán là nghệ thuật tìm kiếm phương án các bên liên quan cùng chấp nhận được, không có bên nào là "chiến thắng tuyệt đối" trong các cuộc đàm phán.
Giáo sư David A. Welch đặt câu hỏi, nếu Trung Quốc khăng khăng (đòi các bên thừa nhận) cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông" thì còn gì để đàm phán nữa?
Bởi lẽ theo người viết, thừa nhận điều vô lý này tức là các bên chấp nhận hai tay dâng Biển Đông cho Trung Quốc, từ vị trí chủ nhân của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), nếu thừa nhận điều này thì các bên không chỉ tự hủy bỏ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của mình, mà còn biến mình từ chủ nhân thành kẻ cướp đối với Trung Quốc.
Nếu đúng như các nhà phân tích nhận xét, Bắc Kinh đang tìm cách thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước, lý do chính để Trung Quốc cố gắng làm suy yếu vai trò pháp lý và phán quyết của PCA, thì khi đàm phán càng không thể có chuyện Bắc Kinh sẽ nhượng bộ. Bởi "nhượng bộ" sẽ gây ra phản ứng vô cùng dữ dội trong nước, theo David A. Welch.
Tuy nhiên người viết cho rằng, việc PCA hủy bỏ đường lưỡi bò có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Riêng đường lưỡi bò là thứ không thể đàm phán, bởi nó được vẽ ra một cách vô căn cứ, vô luật pháp, bành trướng và phi lý hết mức.
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước ven Biển Đông trong đó có Việt Nam không có bất cứ vùng "chồng lấn" nào với Trung Quốc, vì đường lưỡi bò là một sản phẩm tưởng tượng.
Bởi vậy, giả sử trong trường hợp Trung Quốc có rút đường lưỡi bò thì đó cũng là cử chỉ đáng hoan nghênh của một nước lớn bắt đầu hiểu ra luật pháp quốc tế, bắt đầu hiểu UNCLOS 1982, tuyệt nhiên không thể coi đó là một "nhượng bộ" để đòi các bên liên quan "nhượng bộ" theo nguyên tắc có đi có lại.
Vùng chồng lấn ở Biển Đông chỉ có thể xuất hiện trong trường hợp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp theo đúng quy định của UNCLOS 1982 có chỗ đè lên nhau.
Không thể có vùng chồng lấn với cái gọi là đường 9 đoạn, đường chữ U hay đường lưỡi bò, không thể có cái gọi là "quyền lịch sử", "vùng đánh cá truyền thống" ở đây.
Trung Quốc đánh giá quá thấp Việt Nam, Philippiné, Malaysia, Brunei và Indonesia
Giáo sư David A. Welch nhận định, dư luận tin rằng Trung Quốc muốn đàm phán song phương ở Biển Đông (với các tranh chấp đa phương) là muốn "bẻ từng chiếc đũa", bắt nạt, bắt các nước nhỏ phải phục tùng.
Nhưng đó là điều kỳ lạ nếu Bắc Kinh thực sự nghĩ rằng, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei (và theo người viết có cả Indonesia) sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán chỉ để chấp nhận các điều khoản đầu hàng.
Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự |
Riêng Indonesia và Việt Nam đã khẳng định rất rõ, không có cái gọi là vùng chồng lấn nào với Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Indonesia trên Biển Đông.
Phản ứng của Việt Nam rõ nét nhất trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014, còn lập trường này của Indonesia được thể hiện rõ trong tuyên bố của Ngoại trưởng nước này tuần qua, cũng như việc Tổng thống Joko Wiododo lên chiến hạm họp bàn chống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Natuna.
Càng gần thời điểm PCA ra phán quyết, Bắc Kinh càng phải đối mặt với một sự lựa chọn nếu Trung Quốc thực sự muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông: Chấp nhận giải quyết vấn đề thông qua một diễn đàn, một kênh tư pháp thích hợp, hoặc chấp nhận các nhượng bộ "yêu sách chủ quyền" trong đàm phán với các bên yêu sách.
Nhưng cả hai đối với Trung Quốc hiện nay đều khó, bởi họ đã và đang tuyên truyền (nhồi sọ) rất mạnh khiến rất nhiều người dân Trung Quốc tin rằng, Biển Đông là của họ.
Tuy nhiên người viết lại cho rằng, phán quyết của PCA chính là cơ hội cho Trung Quốc rút đường lưỡi bò trong danh dự.
Với phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, Bắc Kinh cũng dễ ăn dễ nói hơn với người dân của mình về cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi với Biển Đông từ thời cổ đại".
Một quan chức, một cá nhân, thậm chí là nhà nước Trung Quốc tự hủy đường lưỡi bò thì khó tránh khỏi dư luận nước này cho là họ "bán nước", bởi họ được dạy từ mầm non đến sau đại học rằng, Biển Đông là của họ.
Ở đời thường, người ta biết sai và sửa sai đã là việc khó, thì trong những vấn đề phức tạp, khó khăn và nhạy cảm như biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, cá nhân một chính khách cho đến một chính phủ nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của thế hệ trước đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội là vô cùng khó, đòi hỏi một dũng khí rất lớn.
Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền như PCA chính là cơ hội quý báu cho các bên xem lại việc mình áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 đã đúng hay chưa, cái nào chưa đúng thì cần phải điều chỉnh.
Đó cũng là cơ hội quý báu để chính phủ các bên liên quan bao gồm Trung Quốc giải thích rõ cho người dân nước mình hiểu được, quyền lợi quốc gia mình ở Biển Đông đến đâu, theo điều khoản nào của UNCLOS 1982, nhất là đối với đường lưỡi bò.
Trật tự hàng hải toàn cầu và luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng
Đó không chỉ là đòi hỏi của các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông, mà ngay cả dư luận các nước ASEAN không có yêu sách cũng vậy. Đó là lý do tại sao The Straits Times ngày 27/6 có bài xã luận khẳng định, nếu không có UNCLOS 1982 với sự tham gia của hơn 160 nước, với sự hỗ trợ của EU, thì các vùng biển và đại dương có thể rơi vào tình trạng vô pháp luật, hỗn loạn không hồi kết.
Để có được UNCLOS 1982, nhân loại đã trải qua một quá trình đấu tranh, nỗ lực xây dựng không mệt mỏi với mục đích rất đáng ca ngợi: Cung cấp một trật tự pháp lý, quy tắc ứng xử cho các nước trên các vùng biển và đại dương, bảo vệ tự do trên biển.
Quá trình xây dựng và hình thành của UNCLOS 1982 ngoài việc đảm bảo một số vùng biển quy ước thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, các quốc gia quần đảo (như nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), phần biển cả rộng lớn còn lại là tài sản chung của nhân loại, bao gồm đi lại tự do và các nguồn lực từ vùng biển đó, các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, đáy đại dương.
Tuy nhiên Trung Quốc được xem là đang phá hoại nghiêm trọng UNCLOS 1982 mà nước này đã ký vào, đã phê chuẩn. Nổi bật nhất là việc Bắc Kinh leo thang quân sự hóa Biển Đông, vu cáo cho Mỹ quân sự hóa Biển Đông khi Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do và an toàn hàng không, hàng hải trên Biển Đông.
Tương tự như vậy, một mặt Trung Quốc nói họ không phản đối chủ quyền của Indonesia với quần đảo Natuna, nhưng lại cho tàu cá đi trước, tàu hải cảnh theo sau xâm phạm liên tục và nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia xung quanh vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Bắc quần đảo Natuna với cái cớ đó là "ngư trường truyền thống" của họ.
Bởi vậy người viết tin rằng, dù Bắc Kinh có tuyên truyền thế nào đi nữa, thì một tay cũng không che nổi mặt trời. Mặt trời của công lý, công pháp và chân lý sẽ vạch trần những âm mưu hắc ám. Người dân Trung Quốc có thể bị bưng bít một thời chứ không thể bưng bít mãi mãi, quay đầu là bờ, buông đao thành Phật nên là điều Trung Quốc suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng với phán quyết của PCA.