Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 15/7/2015 theo Quyết định số 41/QĐST-DS của Tòa án Nhân dân Q. Bắc Từ Liêm (Hà Nội), ngày 11/8/2015 cơ quan này sẽ đưa ra xét xử công khai vụ người tiêu dùng khởi kiện Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam về việc sản phẩm nước ngọt Splash (thương hiệu do Coca Cola Việt Nam sản xuất) chứa dị vật.
Được biết tính từ thời điểm người tiêu dùng đưa đơn khởi kiện ra tòa đến khi Tòa án Nhân dân Q. Bắc Từ Liêm có quyết định xét xử, vụ việc kéo dài hơn 3 năm và tính từ thời điểm chai nước ngọt Splash của Coca Cola Việt Nam bị phát hiện có dị vật đến ngày xét xử đã gần 4 năm.
Cụ thể, ngày 5/10/2011 chị Nguyễn Thị Bình Minh (Tây Tựu, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của Hãng Coca Cola (sản xuất ngày 29/06/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011, mã 2352 C3) do Chi nhánh Công ty Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất.
Mua về định sử dụng nhưng chị Minh phát hiện trong đó có một chai Splash còn nguyên nắp chứa rất nhiều tạp chất, đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong chai nước.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị Minh đã ủy quyền cho Công ty Luật YouMe làm việc với Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam giải quyết vụ việc.
Trong suốt từ tháng 10/2011 đến tháng 1/2012, đại diện người tiêu dùng và Công ty Coca Cola Việt Nam gặp gỡ nhau nhiều lần nhưng không đi đến thống nhất.
Phía người tiêu dùng đưa ra yêu cầu Coca Cola Việt Nam phải hoàn trả cho khách hàng một khoản tiền tương đương với tiền mua 01 chai nước cam ép Splash vào thời điểm hiện tại (không đổi hàng hóa, vì khách hàng không còn tin tưởng vào chất lượng của hàng hóa do Coca Cola Việt Nam sản xuất); Thanh toán và hoàn trả toàn bộ các khoản chi phí, phí phát sinh có liên quan đến việc kiểm tra, kiểm định sản phẩm có dị vật của Coca Cola Việt Nam;
Coca Cola Việt Nam sắp hầu tòa |
Có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất, ống thủy tinh trong sản phẩm nước cam ép Splash;
Xin lỗi công khai trên 05 số báo liên tiếp đối với khách hàng Nguyễn Thị Bình Minh nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Do Coca Cola Việt Nam không có động thái tích cực giải quyết vụ việc và thực hiện yêu cầu từ phía người tiêu dùng, đến ngày 12/1/2012 người tiêu dùng đã quyết định khởi kiện Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam.
Vì sao một vụ việc tưởng chừng đơn giản lại kéo dài như thế? Liệu ra tòa, việc thẩm định chai nước chứa dị vật có còn tác dụng?
Phân tích trên khía cạnh pháp lý, Th.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban Đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, vụ việc Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam có hai vấn đề đặt ra ở phía người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thứ nhất, về phía Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam, kéo vụ việc nhỏ (sản phẩm nước ngọt có sự cố) trong 4 năm nhưng không giải quyết được dẫn đế việc phải ra tòa cho thấy doanh nghiệp không lường trước hậu quả.
Hậu quả ở đây không chỉ vấn đề ra tòa doanh nghiệp hay người tiêu dùng thắng kiện. Bởi dù thắng kiện hay thua kiện người chịu thiệt vẫn là Coca Cola Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam chịu tác động bởi tâm lý tình cảm và tâm lý đám đông nhiều.
Đặt giả thiết Coca Cola Việt Nam thua kiện, rõ ràng sản phẩm doanh nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Khi đó chắc chắn không chỉ 1 mà nhiều người tiêu dùng sẽ đặt ra vấn đề lâu nay tôi uống Coca Cola có bị ảnh hưởng sức khỏe… Từ đây dẫn đến người tiêu dùng tẩy chay.
Trường hợp ngược lại nếu thắng kiện, Coca Cola Việt Nam vẫn thiệt bởi thái độ ứng xử với người tiêu dùng (kéo dài vụ việc 4 năm), bởi người tiêu dùng Việt có xu hướng nghiêng về kẻ yếu (người tiêu dùng), tâm lý đám đông có thể không kéo dài nhưng ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp nhất khía cạnh xã hội.
“Đây là vụ án khởi kiện dân sự hết sức bình thường, nếu Coca Cola Việt Nam giải quyết vấn đề hài lòng người tiêu dùng, dẫn đến người tiêu dùng rút đơn khởi kiện, vụ án sẽ không đưa ra xét xử. Đây cách làm khôn ngoan nhất”, LS Tuấn cho biết.
Thứ hai từ phía người tiêu dùng, ở góc độ khách quan LS Tuấn cho rằng nếu đúng người tiêu dùng chỉ đòi hỏi Coca Cola Việt Nam đền bù số tiền bằng tiền mua chai nước ngọt, tiến hành kiểm tra, kiểm định chai nước ngọt, giải thích rõ ràng nguyên nhân sự việc và phải công khai xin lỗi người tiêu dùng nếu sản phẩm có sự cố... thì đây là đòi hỏi chính đáng.
Nếu khẳng định chất lượng sản phẩm của mình tốt, Coca Cola Việt Nam ngay lập tức có thể thực hiện được những yêu cầu này. Chính việc Coca Cola Việt Nam không thực hiện, càng gây khó hiểu và mất thiện cảm với người tiêu dùng.
Đứng góc nhìn thị trường một chuyên gia thương hiệu (xin được giấu tên) cho rằng, có thể ở vị thế Tập đoàn lớn với thương hiệu toàn cầu nên Coca Cola Việt Nam không coi trọng sự việc nhỏ. Tuy nhiên bài học Vedan là ví dụ, nếu không coi trọng người tiêu dùng Việt, đồng nghĩa với việc Coca Cola xác định mất thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam vào đối thủ cạnh tranh.