“Đánh thức” bản lĩnh vượt khó của doanh nhân SMEs

14/09/2021 16:58
Theo Kinhtevadubao.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp sản xuất lớn với quy mô lớn và tạo việc làm cho trên 4.000 người lao động, đại dịch cũng mang đến những thử thách rất lớn.

Làm cách nào để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch? Làm cách nào để tiếp cận và bán hàng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn? Làm cách nào để người tiêu dùng lưu nhớ đến sản phẩm của mình?... Đó là một số câu hỏi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp SMEs đã đặt ra với doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong buổi Talkshow do GIVERS Café tổ chức tối 12/9/2021.

Mỗi doanh nghiệp một cái khó

Doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Trước khi chia sẻ về cách Tân Hiệp Phát đối phó với đại dịch, doanh nhân Trần Uyên Phương khích lệ các doanh nghiệp cùng dự Talkshow nói về hiện trạng hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo doanh nghiệp Gốm Bát Tràng cho biết, chuỗi phân phối bị đứt gãy, khiến doanh thu giảm 70% và chưa biết cách nào phục hồi lại; Giám đốc Công ty Việt Hải - doanh nghiệp ngành bánh kẹo thì tâm sự, đã cố gắng cầm cự sản xuất và đàm phán được với một số khu công nghiệp để cung cấp xuất ăn buổi sáng, nhưng sau đó họ lại “lật kèo”.

Vậy làm cách nào để bước chân vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn? Lãnh đạo một doanh nghiệp lụa tơ tằm kể, hoạt động kinh doanh bị dừng hẳn vì Covid-19, nên chị rất muốn tính việc bán hàng qua Online mà chưa có kinh nghiệm. Một doanh nghiệp ngành xuất khẩu lao động chia sẻ, hoạt động hoàn toàn ngưng trệ vì đại dịch và chưa biết cách nào để tìm lối đi...

Mỗi doanh nghiệp có những khó khăn, vướng mắc riêng, nhưng điểm chung nhất là tình cảnh bối rối, không tìm ra lối đi trước diễn tiến đại dịch Covid-19 kéo dài, làm ngưng trệ sản xuất và không biết bao giờ mới có thể kết thúc. Các doanh nghiệp chờ đợi một cách tư duy mới từ doanh nhân Trần Uyên Phương để giúp họ không bị cuốn trôi theo những thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh.

Những khó khăn được chia sẻ như trên là minh chứng thực tiễn cho khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. 8 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam có đến 85.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, chờ giải thể, hoặc phá sản. Đây là con số cao hơn bao giờ hết trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang phải trải qua một đại nạn chưa từng có.

Một số dự báo cho rằng, nếu Việt Nam sớm kiểm soát được đại dịch thì con số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, phá sản cuối năm 2021 sẽ khoảng 100.000. Nếu không kiểm được đại dịch, con số đó có thể lên đến 150.000 doanh nghiệp…

“Đánh thức” bản lĩnh vượt khó cho doanh nhân SMEs

Chìa khóa quan trọng nhất để “chung sống cùng đại dịch” tại Tân Hiệp Phát là kỷ luật nghiêm minh và tinh thần làm gương của người lãnh đạo

Chìa khóa quan trọng nhất để “chung sống cùng đại dịch” tại Tân Hiệp Phát là kỷ luật nghiêm minh và tinh thần làm gương của người lãnh đạo

Nhận định đầu tiên doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ với hơn 200 doanh nghiệp SMEs tham dự Talkshow tối 12/9/2021 đó là: “Covid sẽ không hết, virus không biến mất, thậm chí có thể còn biến thể khó lường”.

Do dịch bệnh nên mọi lĩnh vực (xã hội, kinh tế, đời sống) đã, đang và sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn hơn, phức tạp hơn.

“Cá nhân tôi, từ mấy tháng nay đã quên mất ngày nào là ngày Chủ Nhật. Vì áp lực công việc, vì nhất thiết phải có giải pháp duy trì sản xuất trong đại dịch, chúng tôi phải tư duy liên tục, sáng tạo liên tục để tìm giải pháp”. Uyên Phương tâm sự và cho biết, với doanh nhân, bản lĩnh và tinh thần sáng tạo là hai cốt cách không thể thiếu mới có thể dẫn dắt doanh nghiệp đi qua khó khăn.

Tại Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp sản xuất lớn với quy mô lớn và tạo việc làm cho trên 4.000 người lao động, đại dịch cũng mang đến những thử thách rất lớn. Nhưng với quan điểm của người sáng lập Tập đoàn, Tiến sĩ Trần Quí Thanh rằng, Tân Hiệp Phát phải tồn tại để giúp những người có liên quan tồn tại; phải tồn tại an toàn thì mới có thể đóng góp cho xã hội, Tập đoàn đã quyết định bằng mọi cách duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, để tạo tác động tích cực trong bối cảnh cả xã hội khó khăn…

Với quan điểm phải tồn tại để giúp những người có liên quan tồn tại; phải tồn tại an toàn thì mới có thể đóng góp cho xã hội, Tân Hiệp Phát đã quyết định bằng mọi cách duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, để tạo tác động tích cực trong bối cảnh cả xã hội khó khăn…

Với tinh thần “Không gì là không thể”, Trần Uyên Phương cho biết, người Tân Hiệp Phát cùng thực thi 5 nguyên tắc mà Ban lãnh đạo Công ty xây dựng nhằm quyết tâm và sẵn sàng “chung sống cùng đại dịch”. Một trong 5 nguyên tắc này đó là “Phân bổ thiệt hại, chấp nhận hy sinh”.

Dịch bệnh tạo ra nhiều khó khăn hơn, khiến doanh thu giảm, hàng tồn kho không tiêu thụ được, chi phí tăng, gây thiệt hại lớn cho tất cả các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng.

“Trong bối cảnh này, không ai tránh được thiệt hại (nhà cung cấp, người lao động, hệ thống phân phối…), nhưng nếu để thiệt hại xảy ra một cách tự nhiên, người lao động, nông dân sẽ khó khăn và không thể tồn tại.

Theo đó, Tân Hiệp Phát xác định sẽ hy sinh, chịu thiệt hại nhiều hơn để bảo vệ người lao động, hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ sự tồn tại lâu dài của chuỗi cung ứng, bảo vệ tất cả các chủ thể có liên quan đến Tân Hiệp Phát”, Trần Uyên Phương nói.

Để duy trì sản xuất 3 tại chỗ, lo ăn, lo nghỉ cho trên 1.000 người lao động trong thời gian dài và phải kiểm soát dịch bệnh, chi phí Tân Hiệp Phát tăng lên nhiều lần, trong khi đó, sản phẩm thì tiêu thụ khó khăn hơn, nhưng cho đến nay, Tân Hiệp Phát vẫn duy trì hoạt động.

Chìa khóa quan trọng nhất để thực thi 5 nguyên tắc “chung sống cùng đại dịch” tại doanh nghiệp của Dr. Thanh là kỷ luật nghiêm minh và tinh thần làm gương của người lãnh đạo. Thực hành kỷ luật cùng việc truyền thông cho người lao động toàn Tập đoàn hiểu được, vì sao phải nghiêm túc giữ an toàn là “chìa khóa” giữ vững chuỗi sản xuất.

Quan điểm người lao động có việc làm, có thu nhập, thì gia đình của họ mới tồn tại; Người nông dân tồn tại, tiêu thụ được nguyên liệu, thì gia đình họ mới tồn tại, vùng nguyên liệu, đất đai mới được bảo vệ; chuỗi sản xuất, cung ứng được duy trì, thì người tiêu dùng có sản phẩm để dùng, ngân sách có nguồn thu, giảm bớt gánh nặng phải hỗ trợ người dân khó khăn cho Nhà nước… ngấm vào nhân sự Tân Hiệp Phát và theo đó, tạo nên sức mạnh mới cho tinh thần vừa kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, vừa sản xuất, kinh doanh, đóng góp những giá trị có ích cho cộng đồng.

Người Tân Hiệp Phát được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng sống chung cùng đại dịch

Người Tân Hiệp Phát được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng sống chung cùng đại dịch

Cùng Tân Hiệp Phát sáng tạo và tự tin kết nối

Nhiều câu hỏi của khối doanh nghiệp SMEs đã được doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ cách tư duy và kinh nghiệm xử lý ngay tại sự kiện. Điều tâm đắc và cũng mở ra cơ hội rõ nhất với các doanh nghiệp SMEs là việc Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ về tinh thần cởi mở trong kinh doanh của Tập đoàn.

Rất nhiều người cho rằng, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đều đã có sẵn các đối tác, các quan hệ thân thuộc, nên không có chỗ cho doanh nghiệp nhỏ tham gia vào, nhưng ở Tân Hiệp Phát hoàn toàn khác.

Tân Hiệp Phát luôn sẵn sàng đón nhận các nhà cung cấp mới. Nếu các doanh nghiệp có thể sáng tạo ra những nguyên, vật liệu, sản phẩm mà Tập đoàn cần với giá thành tốt hơn, bao bì đóng gói, thuận lợi hơn… thì cứ mạnh dạn tham gia chào giá.

Việc chọn lựa nhà cung cấp cho chuỗi sản xuất kinh doanh của Tập đoàn được thực hiện theo một quy trình chuẩn, trong đó bước đầu tiên là đánh giá nhà cung cấp, dựa trên năng lực sản xuất, chất lượng, số lượng sản phẩm.

“Ở bước này, điều chúng tôi quan tâm nhất là khả năng cung cấp số lượng sản phẩm của doanh nghiệp là bao nhiêu và chất lượng có ổn định không? Cùng với đó, uy tín của doanh nghiệp, thể hiện khả năng sẵn sàng thực hiện cam kết ngay cả trong những lúc khó khăn cũng sẽ được đánh giá trong bước đầu tiên này”, Uyên Phương nói và cho biết, sau đó, để chọn được đối tác, Tân Hiệp Phát có quy định tất cả đều đấu thầu. Việc này sẽ giúp sự chọn lựa trở nên minh bạch và công bằng với tất cả.

Trần Uyên Phương khẳng định, Tân Hiệp Phát luôn sẵn sàng kết nối và trao cơ hội cho đối tác mới, phù hợp với quan điểm kinh doanh của Tập đoàn: “Hôm nay phải tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.

“Nếu các doanh nghiệp có thể sáng tạo ra những nguyên, vật liệu, sản phẩm mà chúng tôi cần với giá thành tốt hơn, bao bì đóng gói, thuận lợi hơn… thì cứ mạnh dạn tham gia chào giá, chỉ cần các bạn cải tiến là có cơ hội bởi chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận các nhà cung cấp mới và đi qua cùng một quy trình về đánh giá, đầu thầu”, Uyên Phương nói.

Trong nguy có cơ. Từ kinh nghiệm trụ vững và phát triển của Tân Hiệp Phát, doanh nhân Trần Uyên Phương khích lệ các doanh nghiệp SMEs tìm ra điểm mạnh nơi chính mình và nỗ lực sáng tạo, nỗ lực kết nối để điểm mạnh được khai thác, được chuyển thành giá trị. “Nỗ lực từng ngày, chúng ta sẽ đi qua khó khăn”, Uyên Phương tin tưởng.

Món quà từ Tân Hiệp Phát

Để đồng hành và chia sẻ phần nào sự an toàn cho các doanh nghiệp đang ở vùng dịch phía Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát quyết định ưu tiên hỗ trợ giá bán nước tinh khiết Number 1 cho các doanh nghiệp đang hoạt động hay đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Cụ thể, 1 thùng nước tinh khiết Number 1 sẽ được bán với giá 45.000 đồng/1 thùng (đã bao gồm VAT), giá nhận tại kho Tân Hiệp Phát. Nếu giao tại công ty sẽ cộng thêm 4.000 đồng/1 thùng phí vận chuyển. Giá này được Tân Hiệp Phát so sánh với nước suối trung bình 19 lít có giá 69.000 đồng/bình, tương ứng 48.000 đồng/thùng. Chi tiết xin liên hệ đường dây nóng: 1800 545478.

Theo Kinhtevadubao.vn