Đào trâu bò chết vì bệnh than chế thành... món nhậu

17/08/2011 04:41
Trâu bò mắc bệnh than đã chôn được đào lên mổ thịt đem bán hoặc chế biến thành thịt khô đặc sản bán cho nhà hàng...

Trâu bò mắc bệnh than đã chôn được đào lên mổ thịt đem bán hoặc chế biến thành thịt khô đặc sản bán cho nhà hàng. Cơ quan y tế phải dùng biện pháp đổ bê tông lên hố chôn gia súc mắc bệnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sự việc trên diễn ra ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Người dân trong huyện giết thịt 4 con trâu bò mắc bệnh than để ăn trước khi chính quyền kịp tới hướng dẫn cách tiêu hủy. Đội y tế dự phòng chỉ kịp chôn 1 con trâu mắc bệnh với đầy đủ hóa chất khử trùng. Nhưng sáng hôm sau, quay trở lại kiểm tra thì con trâu bệnh đã bị người dân đào lên mổ thịt mang bán nơi khác.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho hay, trâu bò là tài sản lớn nên người dân rất tiếc nếu bị tiêu hủy. Họ chọn cách lẳng lặng xẻ thịt mang bán hoặc chế biến thành thịt trâu khô, bò khô đặc sản bán cho các nhà hàng.

Lãnh đạo ngành y tế Lai Châu thừa nhận kiến thức phòng chống bệnh than của nhân dân hạn chế, chưa tự giác chấp hành việc khai báo, tiêu hủy súc vật mắc bệnh chết. Việc xử lý môi trường ô nhiễm mầm bệnh, xác súc vật chết gặp nhiều khó khăn, trong khi bào tử bệnh than đã phát tán, lưu hành nhiều năm trong môi trường.

Để ngăn chặn việc người dân đào xác gia súc mắc bệnh lên ăn, chính quyền huyện Than Uyên quyết định nếu có gia súc bị bệnh than sẽ chôn theo đúng quy trình để đảm bảo vệ sinh môi trường, sau đó đổ bê tông lên trên.

Tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, bệnh than xuất hiện trên trâu bò tại xã Phình Sáng. Gia đình có trâu bò bệnh đã mổ thịt 2 con và chia cho bà con trong bản cùng ăn. Tiếp đó họ bán 9 con đã mắc bệnh cho các lái trâu mổ thịt, bán ra thị trường làm lây mầm bệnh sang người ở trong xã.

Phát hiện dịch bệnh, lực lượng y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương kiểm tra phát hiện số trường hợp mắc bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Ngành y tế Điện Biên cũng cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh trên người tại địa phương xảy ra dịch bệnh.

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 7 tháng qua đã có 76 bệnh nhân mắc bệnh than ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đáng nói là số bệnh nhân đã tăng gấp rưỡi so với năm 2010 và tăng gấp 5 lần so với năm 2009. Nguyên nhân lây lan bệnh do thói quen ăn uống không hợp vệ sinh của nhiều người dân, đã sử dụng thịt từ gia súc bị bệnh chết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, 15 năm nay bệnh viện không điều trị cho ca bệnh than nào do các bệnh viện tuyến dưới đã xử lý tốt. “Điều quan trọng là phải được điều trị càng sớm càng tốt”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Bệnh than là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính từ gia súc (trâu, bò, ngựa, lợn, dê), truyền sang người do tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc giết mổ, chế biến, ăn thịt các gia súc bị mắc bệnh. Bệnh lây qua đường tiêu hoá, hô hấp, qua da.

Bệnh diễn biến nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, mất nước, mất máu, thủng ruột... và tỷ lệ tử vong rất cao.


Theo Tiền Phong

{iarelatednews articleid='8373,7828,7568,6290,5367,5681,5662,4112,3553,3456,3420,3272,3224'}