ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí

25/10/2022 17:35
Mộc Hương
GDVN- Góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), các ĐBQH đề cập đến nhiều ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cho hoạt động dầu khí.

Tại Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi và đầu tư.

Điểm quan trọng đột phá “mở” cơ chế thu hút đầu tư

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Do đó, vị đại biểu cho rằng, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu nói riêng tại Điều 55 là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này.

Thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

“Đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam” - đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận.

Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Do đó, vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này, tại khoản 2 Điều 55 của dự thảo luật còn để mở, còn như quy định hiện nay của dự thảo luật sẽ chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí.

“Về phê duyệt hợp đồng dầu khí, quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí, tôi thống nhất với nội dung nêu tại Điều 26 dự thảo luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung chính của hợp đồng dầu khí, bảo đảm tính chất đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, môi trường, mặt biển, đất đai. Tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời, để bảo đảm thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, Điều 29 đã quy định về các loại hợp đồng dầu khí, trong đó có đề cập hợp đồng dầu khí, điển hình là hợp đồng phân chia sản phẩm.

Điều 30 của dự thảo luật đã quy định cụ thể về các nội dung chính của hợp đồng dầu khí. Tuy nhiên, để khung pháp lý được hoàn chỉnh hơn, đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát, xem xét một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 của dự thảo luật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao để thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Đồng thời, Điều 66 đã quy định tương đối chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hạn chế tối đa chồng chéo trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt giai đoạn hoạt động dầu khí nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và quản lý vốn nhà nước.

Ngoài ra, cần phải nói thêm việc quy định rõ như nêu trên sẽ hỗ trợ nhà thầu dầu khí trong quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.

Đặc biệt, khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vì thực tế nếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia sẽ phải tuân theo Luật Quản lý vốn nhà nước và Luật Dầu khí” - Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phân tích.

Chính sách ưu đãi là bước tiến trong dự thảo

Đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.

Cụ thể, vị đại biểu cho rằng việc sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ thuế suất tối thiểu từ 25 - 50% là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí. Ảnh: quochoi.vn.

“Nếu được, cần đưa ngay vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với hợp đồng dầu khí, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư thì thuế suất là 33%.

Đối với các hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất 25%.

Đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1, giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25 - 50%, hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình, giống như mức thuế suất tuyệt đối đối với xăng, dầu, thuế bảo vệ môi trường là từ 1.000 đến 3.000, thì ở đây quy định là 25-50%, đối với các loại khác sẽ giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế suất cụ thể đối với các hợp đồng dầu khí cụ thể” - Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32 - 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn.

Đề xuất góp ý vào những điều cụ thể, Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể, có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí.

Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể, việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí vào thời điểm này là rất cần thiết. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí vào thời điểm này là rất cần thiết. Ảnh: quochoi.vn.

Do đó, Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung của Điều 12 của dự thảo luật để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót.

Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn, cho biết chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, nữ đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54.

Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.

Mộc Hương