Đề nghị kiểm tra lại “sức khỏe” của các ngân hàng
Tại chương trình thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay tại Quốc hội, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận định, nới bội chi, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ một lượng rất lớn trong bối cảnh lần đầu tiên ngân sách hụt dự toán đến 63.000 tỷ đồng. Đây là quyết định rất khó khăn và càng nan giải hơn khi báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế.
“Các con số thống kê vẫn đang gây hoài nghi không nhỏ đã được nhiều ĐBQH nêu ra tại các buổi thảo luận tổ vừa qua. Nhân đây tôi cũng đề nghị với Quốc hội ra Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2014, yêu cầu cải cách triệt để công tác thống kê, để từ kỳ họp sau không còn tái diễn tình cảnh nêu giải pháp mà không rõ thực trạng, chi tiền thật có thể dựa trên những con số có thể ảo như hiện nay”, ông Đồng nói.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Vietnamnet. |
Đi vào các vấn đề cụ thể hơn, ĐB Hà Sỹ Đồng chỉ rõ, báo cáo đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp này đã không còn nhắc lại vướng mắc khiến cho quá trình tài cơ cấu tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến là do quyền lợi cá nhân của một số cổ đông lớn ngân hàng TMCP yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách. Điều quan trọng trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là trước tiên là các ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng bao gồm của cả nhà nước phải có lượng vốn thực đủ, đảm bảo hoạt động an toàn đặt trong bối cảnh rủi ro kinh doanh đang ở mức cao.
ĐB Đồng nhấn mạnh: “Ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe, NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là một thí dụ. Tôi băn khoăn với báo cáo của NHNN chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần nhỏ yếu kém, tội đồ chính gây bất ổn hệ thống, đang được tái cơ cấu.
Muốn đạt yêu cầu đủ vốn, trước hết cần phải có đợt kiểm tra lại sức khỏe tổng thể của hệ thống ngân hàng, cần đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng, bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất, từ đó tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung, nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Chủ sở hữu hay các cổ đông hiện hữu không có, phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới. Vốn trong nước không đủ, phải gọi vốn nước ngoài.
Nếu không được, phải cắt bỏ, thu hẹp quy mô hoạt động, hoặc đóng cửa ngân hàng, chứ không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế và khiên cưỡng" như hiện nay, bởi cách làm này dễ tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản ngân hàng làm thay đổi đổi bản chất vấn đề nợ xấu”.
Tuy nhiên, ĐB Đồng cho rằng, đây là việc NHNN khó có đủ khả năng làm được, do đó cần tổ chức các đoàn hỗn hợp có chuyên gia quốc tế lo khâu kỹ thuật để hỗ trợ NHNN làm nhiệm vụ này.
Nền kinh tế đứng trước những thách thức của quá trình tái cơ cấu. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Không nên tạo cơ chế độc quyền cho DN nhà nước
Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, nhìn rộng ra các lĩnh vực khác của đề án tái cơ cấu nền kinh tế với cách làm hiện nay sẽ không đạt kết quả kỳ vọng, đồng thời đề nghị thay đổi lại cách tiếp cận, phải đi từ trên xuống dưới, từ tổng thể tới chi tiết, chứ không làm ngược lại. Cần tìm ra động lực đủ mạnh để thúc đẩy tiến trình này. Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đòi hỏi phải có đột phá về thể chế kinh tế và tổ chức hành chính liên quan đến huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia.
Cả nước hiện nay có 101 tập đoàn, tổng công ty và hai ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đến năm 2009, ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, trong khi chưa có tổng kết thí điểm, vẫn có thêm 4 tập đoàn mới được thành lập, những yếu kém và bất cập của DN nhà nước được thể hiện ở hai vấn đề chính:
Một là hiệu quả sức cạnh tranh của các DN nhà nước còn hạn chế.
Hai là ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Quyết định 929 ngày 17/7/2012 tính đến tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện rất chậm kế hoạch cổ phần hóa DN, cụ thể năm 2012 đã không hoàn thành.
ĐB Đồng đề nghị: “Trong khi chờ đợi sự đột phá này, tôi đề nghị cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo then chốt của DN nhà nước. Chính phủ chỉ nên hỗ trợ ở tầm vĩ mô cho các DN lớn để họ có thể tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế, không nên trao cơ chế độc quyền hay những ưu ái đặc biệt.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, vì vậy không cần thiết đặt mục tiêu tất cả các DN nhà nước phải hoành tráng, không nên quá ưu ái, bơm tiền vào những DN nhà nước đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán, mà dùng những ưu ái đó cho những DN đang hoạt động hiệu quả, có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho dù DN đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào”.