Đề xuất việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam

24/05/2023 06:30
Tin, ảnh: Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính các em nhỏ cũng là nạn nhân của khói thuốc lá khi trong gia đình hay các nơi công cộng đều có người hút thuốc lá.

Ngày 23/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hội thảo có sự tham dự của ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế); ông Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hương – đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá; Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam; ông Đào Thế Sơn – Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông Trường Đại học Thương Mại.

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế cho biết: “Đứng trước thách thức của nhân loại, phát triển dân số bùng nổ, sau thảm họa đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khẩu hiệu “Cần thực phẩm, không cần thuốc lá”.

Thuốc lá, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra những bệnh mãn tính này: ung thư phổi, xơ vữa động mạch, đột quỵ,... Đặc biệt thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Khuê nhấn mạnh, hậu quả thuốc lá để lại vô cùng nặng nề: người bệnh phải chịu điều trị dai dẳng, khó phục hồi và thậm chí không thể qua khỏi. Từ đó gây ra những gánh nặng cho gia đình bệnh nhân nói riêng và xã hội hay các ban ngành y tế nói chung.

Dù công tác giảm thiểu sử dụng thuốc lá đã được tiến hành nhiều năm nhưng đây là một cuộc chiến không đơn giản.

Từ năm 2000 đến năm 2020, tỉ lệ nam giới sử dụng thuốc lá đã giảm còn 42,3% so với năm 2015 (45,3%) nhưng trung bình vẫn cứ 3 nam giới thì có 1 nam giới hút thuốc. Còn ở nữ giới, hút thuốc lá truyền thống là 1,7% năm 2020, tăng so với năm 2015 (1,1%).

Cho đến nay, tỉ lệ hút thuốc ở Việt Nam tăng nhanh, ở thành thị nhiều nơi đạt mức 6-7%.

Còn với tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020, tăng 18 lần so với năm 2015 từ 0,2% lên 3,6%, cùng với đó là độ tuổi 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử cũng tăng.

Ngoài ra, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng cho biết cần phải đẩy mạnh hơn nữa các công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là vai trò của báo chí trong công cuộc tuyên truyền, truyền thông đến đông đảo quần chúng nhân dân. “Phóng viên là những người đồng hành, là người thầy thuốc trong lĩnh vực y tế công cộng”, ông Khuê nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị An - đại diện cho Tổ chức Healthbridge trăn trở về tác hại của thuốc lá đến trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Thị An - đại diện cho Tổ chức Healthbridge trăn trở về tác hại của thuốc lá đến trẻ em.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị An đại diện cho Tổ chức Healthbridge cũng trăn trở về việc hút thuốc lá đang gây vấn đề nghiêm trọng đến trẻ em.

Theo bác sĩ: “Thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ, được bày bán tràn lan, dễ tiếp cận đến người dân. Chưa kể, hiện tại thuốc lá điện tử du nhập vào với giá trung bình từ 50.000 đồng đến hơn 200.000 đồng, khuyến mãi tặng thêm nếu mua nhiều nên tính ra các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em còn đắt hơn nhiều so với những sản phẩm này.

Ngoài ra, chính các em nhỏ cũng là nạn nhân của khói thuốc lá khi trong gia đình hay các nơi công cộng đều có người hút thuốc lá".

Bác sĩ An cũng cho biết nên có những chính sách cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay những dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, đặc biệt ở lứa tuổi các em học sinh. Đồng thời cần nỗ lực đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho các em cũng như phụ huynh”.

Cùng những trăn trở đó, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trình bày về “Thuế thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường vì sức khỏe: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO)” cũng đã chỉ rõ thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu

Thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu

Do đó, ông Lâm đề xuất việc tăng thuế thuốc lá của Việt Nam trong thời gian tới: “Hiện nay, ở Việt Nam, thuế thuốc lá rất thấp, thuế rượu bia thấp và chưa có đánh thuế các nước ngọt, cùng với đó là hệ thống thuế chưa tối ưu. Nếu tăng thuế cao hơn và tối ưu các sản phẩm này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe và tăng nguồn thu từ thuế cho Chính phủ”.

Để hưởng ứng ngày quốc tế toàn thế giới chung tay phòng chống tác hại thuốc lá 31/5, từ nay đến đầu tháng 6 diễn ra một số hoạt động của các ban ngành gồm:

Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá diễn ra sáng 27/5/2023 tại Học viện Thanh thiếu niên.

Giải chạy “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”: 500 sinh viên tham gia giải chạy tại Công viên Thống nhất vào sáng ngày 28/5/2023.

Giao lưu/Tọa đàm sinh viên nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử: 700 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vào chiều 31/5.

Tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh Đoàn trên toàn quốc tuyên truyền về “Tác hại của thuốc lá điện tử với thanh niên” (tuần 1 tháng 6).

Tin, ảnh: Vân Ánh