Ngày 17/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự cuộc họp chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước về công tác cơ cấu lại khối doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước.
Nhằm bảo đảm tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn, Chính phủ đã quy định các đơn vị này phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. ảnh: Kiểm toán nhà nước. |
Thời gian qua, với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm tới việc phối hợp công tác với Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp nhằm tránh thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.
Đánh giá cao kết quả kiểm toán công tác tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Vướng Đình Huệ khẳng định qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị để bịt nhiều lỗ hổng pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng tình với những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi Nghị định 59 năm 2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để trình Chính phủ ngay đầu năm 2017 theo hướng quan tâm tới xác định giá trị của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về lợi thế thương hiệu, thương mại.
Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có tình trạng chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu.
Do đó, việc mua bán, sáp nhập DNNN gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của DNNN sau cổ phần hóa.
Để nhìn nhận rõ hơn thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép DNNN khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không?
Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi?
Đồng thời Phó Thủ tướng mong muốn Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và tham vấn với Chính phủ về nội dung này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông báo về việc Chính phủ đã và sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn quá trình cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn mới theo tinh thần không bán hay thoái vốn nhà nước bằng mọi giá.
Việc giữ lại các doanh nghiệp mà nhà nước nắm 100% vốn phải bảo đảm các doanh nghiệp này phát triển thành các tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Cổ phần hóa không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện thực hiện mục tiêu của Chính phủ.
Mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và Chính phủ mong muốn Kiểm toán Nhà nước chú ý trong mọi hoạt động ở lĩnh vực này”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn Kiểm toán Nhà nước bám sát chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, không chỉ tham gia hậu kiểm mà tập trung nhiều hơn vào công tác tiền kiểm, nhất là kiểm toán dự toán ngân sách nhà nước, có cảnh báo sớm tới Chính phủ.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch.
Qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp tại 7 doanh nghiệp.
Kiểm toán Nhà nước nhận thấy việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.
Đặc biệt báo cáo nêu lên những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán.
Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là 4.625,4 tỷ đồng.