Khống chế chi phí quảng cáo đang "dìm chết DN Việt"
Trước sự bành trướng của không ít các tập đoàn đa quốc gia lĩnh vực đồ uống đang đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trước tình trạng bất lực trong việc chứng minh các công ty đó có chuyển giá, né thuế hay không (tiêu biểu như trường hợp của Coca Cola), nhà sử học Dương Trung Quốc trăn trở: Tại sao các doanh nghiệp Việt không nêu cao khẩu hiệu: “Đồ uống VN chinh phục thị trường VN”.
Tuy nhiên, đại diện cho các DN Việt tham gia hoạt động trong lĩnh vực đồ uống – nước giải khát, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phân trần: “Chúng tôi có muôn vàn khó khăn… Và nếu các văn bản pháp lý còn như thế này, độ 10 năm nữa, các công ty giải khát trong nước bằng cách này hay cách khác sẽ thui chột. Thương hiệu mà tôi yêu nó, muốn bảo vệ nó sẽ không thể trụ nổi, không thể nào địch nổi các công ty nước ngoài”.
Theo Chủ tịch Sabeco thì quy định khống chế chi phí quảng cáo của bộ Tài chính đang kìm kẹp, giết chết doanh nghiệp. (Ảnh: T.Chí) |
Một trong những bất cập của chính sách mà ông Tuất kể ra là việc khống chế chi phí quảng cáo của DN nội. Ông cho biết: Các DN VN đang bị quy định của Bộ Tài chính trói khi không được chi vượt quá 10% chi phí thực tế phát sinh trong kỳ cho hoạt động quảng cáo.
"Một quyết định đau đớn đang dìm chết DN Việt”, “sự kìm kẹp, khống chế” - ông Tuất tỏ ra gay gắt.
Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"!
AB Inbev sẽ lấy đi từng "miếng bánh" trong tay Công ty Bia VN
Nếu không thay đổi, 5 năm nữa bia Việt sẽ “sập tiệm” trước AB Inbev
Ông giải thích 3 điều bất cập của quyết định này. Thứ nhất, chi phí thực tế phát sinh trong kỳ của một doanh nghiệp chỉ được biết sau ngày 31/3 năm sau, khi báo cáo kiểm toán hoàn tất. Nghĩa là, trước đó 1 năm 3 tháng, DN Việt cứ loay hoay, ngồi nhẩm đếm không biết mình được chi bao nhiêu cho quảng cáo để phục vụ các “thượng đế” cả.
Trong khi đó, “các doanh nghiệp nước ngoài được chi vô biên vì họ báo cáo kiểm toán bên nước ngoài, miễn là họ có chứng từ đầy đủ. Còn chúng tôi không được chi. Làm sao chinh phục được thị trường khi chúng tôi không quảng cáo, không hỗ trợ bán hàng, không truyền thông?” – ông Tuất bức xúc.
Bất cập thứ 2 của quy định này là: quản lý chi phí dựa trên chi phí. Bộ Tài chính yêu cầu DN không được chi vượt quá 10% chi phí thực tế phát sinh trong kỳ, chẳng khác nào cách một người bố muốn quản lý con trai không chơi điện tử sẽ đưa ra quy định: “con chỉ được ăn sáng bằng 1 nửa tiền chơi điện tử. Thế nghĩa là nó muốn chơi điện tử tăng lên thì nó phải đòi tiền ăn sáng tăng lên” – Chủ tịch Sabeco ví von.
Thứ 3 của Nghị định này là quy định chung 10% cho tất cả các loại hình DN. Bất cập bởi các doanh nghiệp đồ uống, thực phẩm, gia dụng,… thì cần quảng cáo nhiều trong khi một số các ngành khác như khai khoáng, gỗ, dầu mỏ… lại không cần quảng cáo.
Theo ông Tuất, với nghị định trên vô hình chung Nhà nước đã khuyến khích không ít DN (không cần quảng cáo) đùn chi phí lên, khai khống hóa đơn để lấp chỗ. Thế nên mới có câu chuyện tiếu lâm: tiền ăn 1,5 triệu đồng, đồ uống 2,5 triệu,…
Có nên bỏ trần chi phí khống chế quảng cáo?
“Vì những bất cập nêu trên, nên hỡi các vị làm chính sách, nếu còn yêu đất nước này, còn nghĩ tới thương hiệu quốc gia, cần ngồi với nhau lại, cần sửa lại chính sách một cách nhanh chóng” – ông Tuất khẩn thiết.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - NGK VN cũng thừa nhận: Hiện nay, việc hạn chế chi phí quảng cáo đang bị các DN nội “kêu rất nhiều”.
"Nếu các văn bản pháp lý còn như thế này, độ 10 năm nữa, các công ty giải khát trong nước bằng cách này hay cách khác sẽ thui chột" - ông Phan Đăng Tuất nói. |
“Tôi nghĩ quảng cáo không phải chỉ dừng lại ở tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mà còn giúp DN làm rõ thương hiệu của mình, do đó, nó sẽ có lợi cho DN, cho người tiêu dùng và cả cho những người làm quảng cáo. Nếu bây giờ hạn chế, cấm đoán các DN trong nước chi tiền cho quảng cáo trong khi các DN đa quốc gia chuyển giá ra bên ngoài rất nhiều, thậm chí, quảng cáo rượu, bia các nước khác vẫn làm, như vậy là bất công” – ông Việt nhấn mạnh.
Dự thảo Luật thuế thu nhập DN sửa đổi vừa qua đã điều chỉnh mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi phí chiết khấu thanh toán… dự kiến sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 5/2013. Tuy nhiên tại hội nghị lấy ý kiến về luật này, các DN cho rằng mức này vẫn chưa hợp lý và cần phải dỡ bỏ hoàn toàn mức giới hạn này, bởi “trần” quá thấp khiến DN ngạt thở. Tại hội thảo "Cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt” diễn ra sáng14/3 tại Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh: Những người có trách nhiệm thường lấy Trung Quốc ra làm chuẩn, tuy nhiên, Trung Quốc quy định 10% nhưng họ làm kiểu khác, không dựa trên thực chi.
Ông Quốc nói: Với tư cách là đại biểu Quốc hội, trong phiên chất vấn Quốc hội sắp tới, ông sẽ đề đạt vấn đề này và xin thả nổi chi phí khống chế quảng cáo này để DN chi tiền quảng cáo tùy theo nhu cầu.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Tiểu Phương