Ông Phạm Minh Đạo, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết vừa yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền huyện Định Quán và cơ quan công an làm rõ tình trạng thương lái “đặt hàng” cho người dân đi gom lá điều khô.
Em Nguyễn Tấn Bình, lớp 9/1 Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, cho biết những ngày thứ bảy và chủ nhật ra rẫy nhặt lá điều khô bán. Mỗi ngày bán được 10.000-20.000 đồng để bỏ heo đất. Gần một tháng qua ở xã Gia Canh rộ lên chuyện mua lá điều khô nên nhiều người dùng xe công nông đổ xô đi gom lá bán cho nhiều điểm mua với giá 1.000 đồng/kg.
Điểm mua lá điều khô của bà Ngô Thị Hiếu ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai - Ảnh: Ngô Thiên Phúc |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước hiện trạng lá điều khô hút hàng, học sinh và nhiều người lớn tuổi ở xã Gia Canh, huyện Định Quán vẫn tấp nập đi gom lá điều bán kiếm thêm thu nhập.
Bà Ngô Thị Hiếu, chủ một điểm mua lá điều khô, cho biết: “Hiện mỗi ngày cơ sở mua 4-5 tấn lá điều khô. Sau khi mua, chúng tôi ủ thành phân và bán lại cho một bà chị đặt hàng”. Khi chúng tôi hỏi bà chị “đặt hàng” ấy gom lá điều đi đâu thì bà Hiếu nói: “Tại lá chưa ủ xong nên người ta chưa lấy”.
Ông Đào Ngọc Ánh - phó chủ tịch UBND xã Gia Canh - xác nhận chuyện mua lá điều khô. UBND xã đã vận động đến từng hộ dân về việc không nên bán lá điều khô nhằm tránh tình trạng mất dinh dưỡng, độ ẩm cho đất, gây sinh trưởng kém cho cây trồng. Tuy nhiên, việc mua bán này là hoạt động bình thường, pháp luật không cấm nên UBND xã chỉ biết vận động người dân không bán.
Ông Phạm Minh Đạo đánh giá: “Ở ta đã có tình trạng người ta không mua cả con trâu, con bò mà chỉ mua móng nên dân tìm móng trâu, móng bò để bán. Bây giờ thương lái đặt ra chuyện mua lá điều khô làm phân, người dân cần tiền đi hái lá tươi phơi khô bán thì không khéo lại phá hoại sản xuất nên cần phải cảnh giác”.
Theo Tuổi trẻ