LTS: Phân tích cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội do ô nhiễm môi trường, Đại tá Nguyễn Huy Viện cho rằng vấn đề là các cơ quan chức năng cần phải hành động càng sớm càng tốt.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề mang tính toàn cầu, vì đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu, huỷ hoại môi sinh, mất cân bằng sinh thái.
Bởi vậy, ô nhiễm môi trường là thủ phạm chính gây ra nhiều bệnh tật cho con người, trong đó có những căn bệnh đe doạ tới tính mạng như các bệnh về đường hô hấp, ung thư, tim mạch …
Theo Ủy ban Tạp chí khoa học Lancet: "Ô nhiễm môi trường đang giết chết con người nhiều gấp 15 lần chiến tranh...
Cũng theo tạp chí này, năm 2015, những căn bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên đã cướp đi sinh mạng của gần 9 triệu người trên toàn thế giới, tương đương 16% của tất cả các trường hợp tử vong của cả nhân loại.” [1]
Việc kiểm soát xả thải tại nhà máy Formosa được giám sát chặt chẽ. Ảnh: VTV |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm các chất gây ô nhiễm môi trường đã khiến cho khoảng 1,7 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong.
Nguyên nhân là do nguồn nước không an toàn, thiếu điều kiện vệ sinh, thực hành vệ sinh kém và ô nhiễm trong nhà và ngoài trời... [2]
Đối với Việt Nam, với chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, do phát triển “nóng” nên đồng hành với phát triển kinh tế là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mấu chốt là cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh |
Hậu quả đó không chỉ ngày ngày đe doạ sức khoẻ, cuộc sống của cả cộng đồng mà còn đe doạ sức khoẻ của con cháu chúng ta, đe doạ giống nòi của dân tộc.
Thủ phạm gây ô nhiễm hàng đầu là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Xin điểm mặt một số công ty được ghi danh vào “sổ đen” về huỷ hoại môi trường.
Đó là Công ty Formosa (Đài Loan) ở Hà Tĩnh, gây ra thảm họa nghiêm trọng nhất về môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng ở Việt Nam từ trước đến nay, huỷ diệt các loại hải sản ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế năm 2016.
Hậu quả của Formosa để lại vô cùng nặng nề, hàng nghìn người mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn người.
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền đó chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết đời sống trước mắt của những người dân gắn bó với biển.
Trước sai phạm của Formosa cũng đã có chỉ đạo nếu doanh nghiệp này tại phạm sẽ phải "đóng cửa nhà máy".
Cột khói nhà máy thép xả ra trong đêm được người dân ghi lại (ảnh cắt từ clip) |
Một trường hợp khác là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở tỉnh Bình Thuận khi đi vào vận hành (năm 2015), đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường ở khu vực này.
Hàng ngàn hộ dân ở phía Bắc huyện Tuy Phong ngày ngày phải hứng chịu bụi, khí thải, nước thải độc hại và những trận “bão xỉ than” mù mịt.
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Công ty bột ngọt Vedan (Đài Loan), từ năm 2008 - 2009, nhiều lần xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào sông Thị Vải (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) làm con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Qua kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàm lượng cyanure chứa trong nước thải của Vedan vượt tiêu chuẩn Việt Nam 5.600 lần - mức ô nhiễm độc hại rất nặng; vi sinh vật gây bệnh vượt tiêu chuẩn 1.460 lần.
Trên đây chỉ là đại diện trong vô số công ty thuộc các khu công nghiệp lớn ở Việt Nam đã gây ô nhiễm môi trường đã bị nhân dân phản đối quyết liệt, được đăng tải đầy đủ trên các mặt báo.
Mới đây nhất người dân ở xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phản ánh nhà máy thép của Hòa Phát ở khu vực này xả bụi mù mịt ra môi trường gây ảnh hưởng tới đời sống trong vùng.
Đang phá núi hay san đất để làm đại dự án Flamingo ở khu sinh quyển Cát Bà? |
Không chỉ ở các khu công nghiệp lớn, mà ở các cụm công nghiệp nhỏ, các làng nghề truyền thống trong cả nước cũng gây ô nhiễm môi trường gần như phổ biến và để lại hậu quả nặng nề.
Nếu tìm kiếm “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường trên Google thì hầu như tỉnh thành cũng có và có rất nhiều.
Ngay Thủ đô Hà Hội cũng có tới 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. [5]
Đáng lo ngại là hầu hết các cụm công nghiệp nhỏ và các làng nghề đều xả nước thải chưa qua xử lý ra sông suối, ao hồ.
Cho nên quy mô huỷ hoại không bằng các khu công nghiệp nhưng mức độ gây ô nhiễm thì vô cùng nguy hại.
Với thực trạng ô nhiễm do các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp gây ra, cùng với việc tăng nhanh số lượng ô tô và xe máy, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã ở mức báo động đỏ.
Theo Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong những "điểm đen" về ô nhiễm môi trường.
Theo xếp hạng của Đại học Yale, chất lượng không khí của Việt Nam chỉ đạt 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu.
Chỉ số PM 2.5 (Particulate Matter - chất dạng hạt) của Việt Nam chỉ đạt 43,95, xếp thứ 170/180 nước.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già và các cháu nhỏ.
Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nên bệnh hô hấp ngày càng phổ biến.
Những thống kê về tỷ lệ bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cho thấy, cứ 4 bệnh nhân nhập viện tại các khoa bệnh phổi thì có 1 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. [7]
Trong những năm gần đây, tỉ lệ trẻ mắc bệnh viêm phổi tại Việt Nam cao nhất trong khu vực. [8]
Riêng bệnh ung thư ở nước ta tăng đột biến.
Năm 1990, cả nước ước tính có khoảng 70.000 ca ung thư, đến năm 2015 tăng vọt lên 150.000 bệnh nhân mới (sau 15 năm số ca ung thư được phát hiện mới tăng gấp hơn 2 lần).
Ước tính đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 200.000 ca. [9]
Để xảy ra môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân đã và đang gánh chịu hậu quả là do một số nguyên nhân cơ bản dưới đây:
1. Các bộ ngành và các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, thậm chí có biểu hiện mở rộng đầu tư, phát triển kinh tế bằng mọi giá. Coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường là thứ yếu.
2. Vai trò tham mưu, tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn bảo vệ môi trường của cơ quan Tài nguyên và Môi trường từ cơ sở đến cấp bộ còn yếu kém, chưa có chiến lược dài hơi bảo vệ môi trường của quốc gia mà chủ yếu là chạy theo giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường.
3. Phê duyệt các dự án đầu tư còn lỏng lẻo trong lựa chọn công nghệ dây chuyền sản xuất của các nhà đầu tư, vì vậy công nghệ đưa vào Việt Nam phần lớn lạc hậu so với thế giới.
Điều này không chỉ hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra môi trường tại Hà Tĩnh |
4. Công tác giám sát lắp đặt hệ thống xử lý chất thải của doanh nghiệp cũng như công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Thậm chí có biểu hiện tiêu cực, dung túng cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
5. Hình phạt đối với những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe.
Bởi vậy, thay vì lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để đỡ tốn kém.
6. Phần lớn doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên hết, coi nhẹ sức khoẻ, sự sống con người, coi nhẹ tương lai của thế hệ mai sau.
Vì vậy họ hạn chế tối đa, thậm chí bỏ qua lắp đặt hệ thống xử lý chất thải của nhà máy, cơ sở sản xuất để giảm tối đa giá thành sản phẩm.
Thực tiễn của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam cho thấy, hiểm hoạ môi trường bị tàn phá là một nguy cơ vô cùng lớn đối với quốc gia.
Bởi vậy Nhà nước vừa phải có chủ trương dài hơi vừa phải có giải pháp quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường.
Trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thay vì để xảy ra các thảm họa ô nhiễm môi trường chạy theo giải quyết sự cố, hãy bằng tầm nhìn chiến lược để tham mưu cho Chính phủ, tư vấn cho các bộ ngành chức năng, chỉ đạo các địa phương trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống; trong lựa chọn công nghệ dây chuyền sản xuất công nghiệp đưa vào Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng, thay vì xử phạt hành chính, dân sự bằng xét xử theo hình phạt của tội phạm hình sự.
Vì sức khoẻ của cả cộng đồng, vì tương lai của các thế hệ mai sau và sự phát triển bền vững của quốc gia, các nhà quản lý kinh tế và các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược phát triển nhanh về kinh tế bằng chiến lược phát triển đất nước bền vững.
Là người thực sự có trách nhiệm với tương lai của con cháu, có trách nhiệm với nòi giống của dân tộc, chúng ta không chỉ để lại của cải, tiền bạc mà quan trọng hơn là phải để lại cho thế tương lai một môi trường sống trong lành.
Tài liệu tham khảo:
[1],[2].http://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/tham-hoa-moi-truong/nhung-hau-qua-thay-ro-cua-o-nhiem-moi-truong-18416.htm
[5].https://vietnammoi.vn/ha-noi-co-187-diem-den-o-nhiem-moi-truong-86385.html
[7].http://suckhoedoisong.vn/cac-benh-duong-ho-hap-moi-quan-tam-cua-toan-xa-hoi-n12018.html
[8].https://nld.com.vn/suc-khoe/ti-le-viem-duong-ho-hap-cao-tai-cac-thanh-pho-lon-o-viet-nam-20161213180944707.htm
[9].https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/vi-sao-ung-thu-tang-nhanh-tai-viet-nam-3581390.html