Cục Thuế thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tháng 7/2018. Đáng chú ý, trong đó không ít doanh nghiệp tên tuổi, “ông lớn” trên thương trường cũng xuất hiện lần này.
Cụ thể, Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 7/2018 (số nợ tại thời điểm 31/5/2018) với số nợ 2.485 tỷ đồng.
Có tới 46 nghìn cán bộ, vì sao ngành thuế vẫn để bị thất thu? |
Trong đó, có 12 đơn vị nợ thuế, phí với số nợ hơn 546 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 12 đơn vị này, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội đang nợ trên 111 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là Công ty Cổ phần tập đoàn công nghiệp điện tử Việt Nam đang nợ trên 83 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng nợ hơn 60 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, 16 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất lên đến trên 1.299 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này nhóm chủ đầu tư này là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với số tiền nợ lên tới trên 342 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ 158 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Quốc tế CT Việt Nam nợ 121 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đá quý Thế Giới nợ 144 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ 67 tỷ đồng…
Như vậy, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đăng công khai 690 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ là gần 1.475 tỷ đồng.
Kết quả sau khi đăng công khai đã có 198 doanh nghiệp và dự án nộp lại gần 47,6 tỷ đồng..
Đứng đầu danh sách 12 đơn vị nợ thuế, phí là Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ trên 111 tỷ đồng. Ảnh: infonet |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thuế Thành phố này cũng công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế đợt 2/2018. Theo đó, có 1.258 doanh nghiệp chây ỳ trong việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước với tổng số tiền nợ thuế trên 1.550 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/5/2018).
Đứng đầu trong số này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Lô Hội (trụ sở đặt tại quận 3) với số nợ thuế 105,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần May Minh Hoàng nợ 70,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên nợ 65 tỷ đồng; công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất giày Phú Sơn 37 tỷ đồng…
Đáng chú ý, trong đó có không ít doanh nghiệp bất động sản như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương nợ 33,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thanh Niên nợ 33,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông nợ 13,5 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng giao thông Đức Hạnh nợ 11 tỷ đồng…
Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp nêu trên mặc dù được cơ quan thuế liên tục áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng doanh nghiệp vẫn chây ỳ không nộp.
Không ít chuyên gia kinh tế, tài chính khi được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tham vấn cho rằng việc công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế nhằm chống thất thu nợ đọng thuế cho ngân sách.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ quan thuế nêu tên công khai dánh sách doanh nghiệp nợ thuế là cần thiết và đảm bảo tính công bằng. Ảnh: N.Q |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đồng tình việc nêu tên công khai doanh nghiệp nợ thuế như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất tháng 7.
Ông Phong cho rằng: “Việc nêu tên doanh nghiệp nợ thuế một cách công khai là cần thiết và đã có tác dụng nhất định trong thời gian qua.
Về nguyên tắc trước khi doanh nghiệp bị nêu tên, cơ quan thuế đã thông báo một số lần và có thời gian để hoàn thành trách nhiệm nộp thuế của doanh nghiệp đối với nhà nước.
Thực tế, không ít doanh nghiệp vẫn chây ì, kéo dài thời gian nộp thuế quá quy định thì việc bị cơ quan thuế nêu tên công khai là cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nêu tên doanh nghiệp nợ thuế chỉ là một biện pháp, cơ quan thuế còn có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như phong tỏa tài khoản giao dịch tại ngân hàng của doanh nghiệp, hoặc vô hiệu hóa hóa đơn…
Có ý kiến cho rằng, không ít doanh nghiệp vì yếu tố khách quan mà gặp khó khăn cần được hoãn, giãn nợ thuế. Như đối với doanh nghiệp nào có lịch sử kinh doanh tốt, trong thời điểm nhất định khó khăn nên thông cảm.
Về ý kiến này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nếu cứ nêu lý do khó khăn mà nợ thuế thì sẽ dẫn đến tình trạng cố tình biện ra những lý do khó khăn để chậm nộp thuế.
Nộp thuế là để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, bởi vậy không có trường hợp ngoại lệ nhằm tránh việc lợi dụng tiền nộp thuế của nhà nước để sử dụng vào mục đích khác”.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, đối với doanh nghiệp cố tình chây ì nộp thuế cần thiết mời cơ quan công an vào cuộc. Ảnh: Thu Phương |
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đồng tình và ủng hộ biện pháp nêu tên công khai doanh nghiệp nợ thuế.
Ôngp Trinh phân tích: “Nộp thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động ở bất cứ quốc gia nào. Về nguyên tắc, doanh nghiệp nợ thuế phải nộp đúng thời gian theo quy định.
Thực tế, khoản thuế doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách không hẳn là của doanh nghiệp. Như khoản thuế gián thu tức là người tiêu dùng, khách hàng khi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đã trả thêm một khoản tiền vào giá dịch vụ, sản phẩm đó để nộp thuế cho nhà nước.
Bởi vậy, doanh nghiệp chỉ là đơn vị đứng ra nộp thuế hộ của người tiêu dùng, khách hàng nên không có lý do gì anh chậm nộp thuế nhiều tháng. Không thể lợi dụng tiền thuế của người dân nộp, anh lại sử dụng vào mục đích khác.
Còn thuế thu nhập doanh nghiệp mới là khoản thuế của doanh nghiệp nộp, nhưng về trách nhiệm, nghĩa vụ anh phải nộp đúng quy định”.
Tiến sĩ Bùi Trinh nhấn mạnh: “Hình thức nêu tên doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện truyền thông là khá nhẹ nhàng. Đối với những trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì nộp thuế, trong đó có khoản thuế gián thu thì cần mời cơ quan công an vào cuộc”.