Tất cả diện tích đất được quy hoạch để sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều không nhiễm dioxin, chính quyền tỉnh dẫn "tài liệu từ các cơ quan có liên quan" cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm 18/11, bác bỏ tin đồn từ Đài Loan.
Tuyên bố được đưa ra sau khi một kênh tin tức Đài Loan bằng tiếng Trung Quốc, Newswire ETtoday, đăng trên Facebook của mình hôm 11/11 rằng chè Việt Nam bị nhiễm dioxin.
Vùng chè. Ảnh Citinews. |
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Phúc Tín, Phó Giám đốc cơ quan kiểm tra chất lượng của tỉnh Lâm Đồng, cho biết đơn vị của ông gần đây đã thử nghiệm 1.000 mẫu đất ở Lâm Đồng và không có dấu vết của dioxin đã được tìm thấy.
Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết một công ty Nhật Bản đã dành nhiều năm thử nghiệm và phân tích đất sử dụng để trồng chè ở Lâm Đồng trước khi quyết định xây dựng một đồn điền trà Ô long vào năm 2000.
Những bằng chứng này cho thấy tin đồn là không có căn cứ. Tuy nhiên, nó cũng đã lan nhanh chóng làm giảm một nửa sản lượng xuất khẩu chè của tỉnh Lâm Đồng. Hàng trăm người trồng chè và các công ty tương mại trong tỉnh, trong đó có 30 công ty Đài Loan, đã bị ảnh hưởng bởi tin đồn thất thiệt này. Nhiều công ty có nguy cơ bị thiệt hại hàng tỷ đồng do hàng hóa bị kẹt ở Hải quan khiến hợp đồng bị quá hạn.
Các nhà bình luận cho biết, hàng chục ngàn tấn chè nhập khẩu từ Việt Nam đã bị niêm phong tại cảng Đài Loan để điều tra và cũng xuất hiện cảnh báo người tiêu dùng đảo này không sử dụng chè có nguồn gốc ở Việt Nam.
Thậm chí, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội còn kêu gọi chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch Văn phòng Huang Chih-Peng nói rằng chè Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan không nhiễm dioxin, nhưng vẫn kêu gọi một cuộc điều tra làm rõ vụ việc, ETtoday cho biết.
Wu Shu Feng, Phó giám đốc của Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng, cho biết nhiều nhà sản xuất tại Đài Loan đang phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam thường xuyên cáo buộc các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam bị nhiễm dioxin trên báo và trên truyền hình hòn đảo này.
Mặc dù các công ty này không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho cáo buộc của họ, nhưng những tin đồn đã làm ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng Đài Loan khi nói đến sản phẩm Việt Nam, ông Wu nói thêm.
Theo ông Wu, chính quyền tỉnh có thể hợp tác với Hiệp hội thương mại Đài Loan ở Lâm Đồng để tổ chức họp báo ở Đài Loan bác bỏ tin đồn, lấy lại danh tiếng cho các doanh nghiệp chè tại địa phương này.
Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia xuất khẩu nông nghiệp sang Đài Loan với 606.806 tấn hàng hóa trị giá hơn 408 triệu USD, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho biết.