Độc đáo Cabin chở bệnh nhân Covid-19 của giảng viên trường Bách khoa

05/07/2021 09:25
An Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cabin được thiết kế độc đáo này sẽ giúp vận chuyển bệnh nhân, tránh sự lây nhiễm virus ra bên ngoài, nhất là trong các bệnh viện, khu cách ly.

Các giảng viên khoa Cơ khí - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vừa bàn giao Cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly của bệnh viện cho Trung tâm y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19. Đây là một sáng chế khoa học độc đáo của các giảng viên trong mùa dịch.

Sáng chế vì cộng đồng

Chuyên chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện, khu cách ly luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm ra môi trường bên ngoài. Mặc dù đã được bảo hộ, tẩy trùng thường xuyên nhưng các nhân viên y tế vẫn có thể không may bị nhiễm bệnh, từ đó lây lan ra cả bệnh viên.

Cabin chở bệnh nhân Covid-19 được giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chế tạo.

Cabin chở bệnh nhân Covid-19 được giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chế tạo.

Từ ý tưởng “đặt hàng” của bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, các giảng viên khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã bắt tay nghiên cứu, sáng chế ra một sản phẩm vận chuyển bệnh nhân đảm bảo chống dịch hiệu quả.

Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy - giảng viên Khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), tác giả của sáng chế này chia sẻ: “Nhu cầu tại các bệnh viên là cần phải có một sản phẩm chuyên dùng để chở bệnh nhân bị nhiễm Covid – 19 nói chung và các bệnh truyền nhiễm khác nói riêng an toàn.

Do đó, tôi nghĩ đến một cabin được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế, khử khuẩn và khép kín, không để virus phát tán ra bên ngoài”.

Từ khi có ý tưởng, thầy Thủy đã bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu. Trải qua nhiều lần thử nghiệm thực tế, cabin chở bệnh nhân Covid-19 đã ra lò với nhiều tính năng độc đáo, an toàn.

“Từ khi đưa ra ý tưởng và thiết kế tính toán chế tạo hoàn thiện để đưa vào sử dụng là 30 ngày. Chi phí để chế tạo nên sản phẩm hiện tại đã chi ra để mua các vật tư và các phụ kiện là khoảng 60 triệu đồng.

Vì sản phẩm này vừa thiết kế vừa chế tạo để phù hợp với thực tế nên chi phí sẽ cao hơn. Còn sản xuất nhiều hơn thì giá thành của sản phẩm sẽ giảm xuống còn khoảng 50 triệu đồng”, thầy Thủy nói.

Cấu tạo của sản phẩm này gồm một chiếc xe máy điện, một cabin khép kín bằng vật liệu nhôm với trọng lượng cabin 80 kg, kích thước dài 1570mm, rộng 940mm, cao 1800 mm.

Gồm có bốn bánh xe trong đó có hai bánh cố định, cabin được chế tạo phần khung gầm bằng vật liệu thép để đảm bảo độ cứng vững. Phần vỏ cabin được chế tạo bằng vật liệu nhôm để đảm bảo giảm bớt trọng lượng của cabin, vật liệu cách âm cách nhiệt EPS.

Trong cabin được lắp đặt ghế có thể ngồi hoặc lật ghế nằm được để phù hợp với mọi điều kiện bệnh lý của bệnh nhân.

Bên trong cabin này còn được bố trí bình ô-xy dành cho các trường hợp bệnh nặng.

Bên trong cabin này còn được bố trí bình ô-xy dành cho các trường hợp bệnh nặng.

Các thiết bị trong cabin gồm: hệ thống phun khử khuẩn, hệ thống quạt hút gió, hệ thống ô-xy và hệ thống đèn chiếu sáng trong cabin nhằm đáp ứng yêu cầu, giống như một buồng áp lực âm, đảm bảo không phát tán các vi khuẩn ra không khí.

Phía ngoài cabin được lắp đặt các thiết bị điện như đèn báo độ cao, đèn pha, đèn phanh, đèn báo cấp cứu. Cabin có thể chở được tải trọng khoảng 100kg khi kéo bằng xe máy điện và khi kéo bằng tay có thể lên đến 200kg.

Thầy Thủy giải thích thêm, tính ưu việt của sản phẩm là có thể vừa vận chuyển bằng xe máy điện trong khuôn viên của các bệnh viện và có thể di chuyển kéo bằng tay trong các hành lang vào trong phòng bệnh nhân.

Hỗ trợ ngành y chống giặc Covid

Thầy Thủy cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh và cải thiện thêm hệ thống lọc không khí bằng màng lọc cho đúng theo tiêu chuẩn của ngành y tế. Do thời gian cần phải giao sản phẩm cho Trung tâm y tế quận Liên Chiểu cấp bách phục vụ trong mùa dịch nên nhiều công năng sẽ bổ sung sau.

Cabin sẽ trang bị thêm các thiết bị tự động nhiều hơn nhằm giúp cho người vận hành dễ dàng thao tác và giảm tối đa vi khuẩn phát tán ra ngoài không khí nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế và bệnh nhân trong các bệnh viện”.

Thầy Thủy chạy thử nghiệm cabin chuyên dùng để vận chuyển bệnh nhân Covid-19.

Thầy Thủy chạy thử nghiệm cabin chuyên dùng để vận chuyển bệnh nhân Covid-19.

Để cho ra đời một chiếc cabin y tế hoàn chỉnh, nhóm của thầy Thủy cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do khan hiếm các loại phụ kiện, thiết bị.

Dịch bệnh khiến việc đi tìm mua các loại phụ kiện gặp khá nhiều khó khăn, các chủng loại hàng hoá rất khó tìm nên phải thay đổi chủng loại để phù hợp với tính toán theo thiết kế.

Ngoài ra, do không huy động được nhân công vì thành phố đang có chủ trương không tụ tập đông người, nên chỉ có một mình tôi vừa nghiên cứu vừa chế tạo.

Vừa lắp ráp từ phần cơ Khí đến phần điện, phần bố trí hệ phun khử khuẩn và các hệ thống khác dẫn đến thời gian chế tạo kéo dài theo kế hoạch việc thiết kế chế tạo là 15 ngày", thầy Thủy chia sẻ.

Các công tắc hướng dẫn các chức năng cụ thể nằm trong cabin. Ảnh: AN

Các công tắc hướng dẫn các chức năng cụ thể nằm trong cabin. Ảnh: AN

Bác sỹ Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Liên Chiểu cho biết, sản phẩm này rất tiện dụng, an toàn trong việc vận chuyển bệnh nhân, tránh không phát tán vi rút ra môi trường xung quanh.

Trong trường hợp bệnh nhân nặng thì cabin này cũng đáp ứng trong việc cung cấp oxy cho bệnh nhân và khử khuẩn sau khi sử dụng.

Sản phẩm được các thầy cô chế tạo trên cơ sở nhu cầu thực tiễn nên mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

An Nguyên