Giáo viên ức chế vì lối quản lý lạc hậu nhưng kêu gào thầy cô đổi mới sáng tạo

19/01/2021 06:30
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo ngành giáo dục luôn kêu gọi giáo viên sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy nhưng giáo viên lại đang bị quản lý theo một lối mòn, cũ mèm, nhàm chán...

Hiện nay, giáo viên các trường phổ thông đang phải làm nhiều việc rất hình thức, thừa thãi nên không hiệu quả mà gây lãng phí thời gian. Đó là tình trạng dự giờ theo quy định, họp tổ chuyên môn theo định kỳ, duyệt giáo án định kỳ hàng tháng, ghi sổ mượn thiết bị, đăng ký dạy công nghệ thông tin…

Nhìn từ thực tế thì có lẽ ai trong ngành cũng thấy nó đang rất máy móc, chủ yếu là để ghi biên bản và làm hồ sơ lưu. Thực hiện thì cũng gần như chẳng có tác dụng gì mà không thực hiện thì không được vì sẽ bị quy vào lỗi vi phạm quy chế chuyên môn.

Vì thế, giáo viên cứ phải làm những công việc vô bổ này từ năm này sang năm khác, khiến cho sự đổi mới giáo dục cũng cứ mãi ì ạch theo.

Giáo viên mong muốn được giảm tải những việc không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên mong muốn được giảm tải những việc không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Dự giờ đồng nghiệp đâu phải lúc nào cũng học hỏi được kinh nghiệm hay

Thực ra, đối với những giáo viên mới ra trường thì việc dự giờ những giáo viên lâu năm là cần thiết vì họ có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý học sinh. Dự giờ cũng là cách trau dồi kinh nghiệm cho riêng mình…

Thế nhưng, khi mà giáo viên đã có hàng chục năm đứng lớp mà cứ phải dự giờ theo quy định của Ban giám hiệu cũng khiến cho nhiều thầy cô mệt mỏi bởi thực ra lúc này việc dự giờ chỉ là bắt buộc phải dự mà thôi.

Nhiều tổ chuyên môn mà ít tiết thì chỉ có vài thành viên nên chỉ dự giờ nhau vài lần là biết rõ về chuyên môn, phương pháp của nhau rồi.

Nhưng, một số ban giám hiệu nhà trường vẫn bắt buộc mỗi giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp mỗi năm học từ 10- 12 tiết/năm. Thành ra, có những giáo viên dự giờ của nhau mỗi năm học đến mấy lần mới đủ số tiết theo quy định.

Điều tréo ngoe nhất là một số giáo viên như Âm nhạc, Mĩ thuật thì trường loại II, loại III chỉ có 1 giáo viên họ không biết dự giờ ở đâu ngoài mấy tiết thao giảng hội đồng bộ môn nên đành phải xin giáo viên môn khác dự cho đủ tiết quy định của nhà trường.

Trong khi, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 01/11/2020 đã không bắt buộc giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải dự giờ, thăm lớp nữa!

Tình trạng họp tổ chuyên môn hiện nay được quy định 2 lần/ tháng cũng đang rất hình thức, chiếu lệ bởi họp tổ chuyên môn chỉ có nội dung cụ thể vào thời điểm đầu năm học, cuối học kỳ, cuối học kỳ, cuối năm học.

Lúc mà tổ trưởng triển khai hoạt động chuyên môn của tổ, thảo luận đề cương, ma trận đề kiểm tra học kỳ hoặc sơ kết, tổng kết. Hay, khi tổ có tổ chức thao giảng chuyên đề, chuẩn bị cho một đợt tập huấn thì có có nội dung thảo luận.

Các buổi họp tổ còn lại gần như chẳng có nội dung gì to tát ngoài việc tổ trưởng thống kê trong tháng có bao nhiêu tiết dự giờ, bao nhiêu người vắng họp, vắng dạy và lặp lại vài nội dung trong cuộc họp hội đồng sư phạm hay họp chi bộ nhà trường.

Những việc này, chỉ cần tổ trưởng thống kê gửi qua email giáo viên trong tổ là mọi người nắm được.

Thậm chí, gửi qua zalo nhóm thì mọi chuyện cũng ổn thỏa. Vậy nhưng, cứ đến hẹn lại lên, mỗi tháng 2 lần giáo viên trong tổ đến họp và theo quy định thì họp tổ chuyên môn có thời gian dài đến…3 giờ đồng hồ.

Ngoài ra, chuyện duyệt giáo án cũng rất hình thức, mỗi tháng tổ trưởng chuyên môn duyệt 2 lần, mỗi kỳ phó hiệu trưởng chuyên môn duyệt 1 lần. Nếu những giáo viên bị kiểm tra chuyên đề thì còn được duyệt thêm lần nữa…

Nhưng thử hỏi ai có sức đâu mà ngồi đọc giáo án của giáo viên trong tổ, người duyệt giáo án chủ yếu chỉ đếm đủ số tiết theo quy định mà thôi.

Việc quy định giáo viên phải ghi vào sổ thiết bị dạy học, kể cả đồ dùng giáo viên tự làm hiện nay cũng không cần thiết. Bởi những môn khoa học xã hội thì đồ dùng có gì ngoài mấy cái tranh, ảnh.

Thời công nghệ thông tin, giáo viên muốn cho học sinh xem tranh thì họ dùng máy tính chiếu cho học sinh xem, chứ mấy cái tranh từ hàng chục năm trước của nhà trường thì giáo viên mượn làm gì? Vậy nhưng, hàng tuần giáo viên cũng cứ phải lên phòng mượn sổ thiết bị để ghi vào.

Thay đổi những việc làm hình thức có khó không?

Chúng tôi cho rằng việc thay đổi những lối mòn nhàm chán ở các trường phổ thông hiện nay đơn giản vô cùng và Bộ đã có văn bản cho phép. Vấn đề còn lại là nhà trường có muốn hay đổi hay không.

Việc dự giờ bây giờ đã không còn là bắt buộc đối với giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nữa nhưng thực tế thì giáo viên vẫn cần phải dự giờ một số tiết chuyên đề để học hỏi lẫn nhau, nhất là những tiết thao giảng của tổ, của trường và hội đồng bộ môn.

Vì thế, chỉ cần dự giờ những tiết thao giảng này là phù hợp, nó vừa chất lượng nên không lãng phí thời gian vô bổ. Việc dự giờ bắt buộc hiện nay của một số nhà trường có những khi gây khó chịu cho cả người dạy và người dự.

Việc họp chuyên môn mỗi tổ không nhất thiết phải 2 lần/tháng mà có thể 1 tháng 1 lần, thậm chí là không cần lần nào nếu thực sự không có những việc cần thiết.

Nhưng, đã họp là phải có nội dung, họp phải có chủ đề để giáo viên trong tổ thảo luận chứ không phải “họp lệ” để ghi biên bản nhằm lưu lại.

Việc duyệt giáo án, hồ sơ sổ sách thì các nhà trường nhanh chóng thực hiện hồ sơ, sổ sách điện tử, làm việc qua hòm thư điện tử cho nhanh gọn, hiệu quả, đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc của giáo viên.

Lãnh đạo ngành giáo dục luôn kêu gọi giáo viên sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy nhưng giáo viên lại đang bị quản lý theo một lối mòn, cũ mèm, nhàm chán thì đổi mới và sáng tạo làm sao đây?

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã ra đời, cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên chúng tôi chỉ mong muốn lãnh đạo nhà trường nhanh chóng lược bỏ những gì không thực sự cần thiết, không còn phù hợp để thúc đẩy sự đổi mới, phù hợp với thực tế công việc ở mỗi nhà trường.

NGUYỄN NGUYÊN