Hợp nhất nhưng vẫn giữ thương hiệu MobiFone và VinaPhone
Theo nguồn tin từ Dân Trí, theo đề án tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, liên quan đến việc hợp nhất hai doanh nghiệp MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile), kế hoạch được VNPT dự kiến sẽ thực hiện khoảng quý III/2012, sau khi được phê duyệt.
VNPT đề nghị giữ hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone sau quá trình hợp nhất (Ảnh: Dân Trí) |
Theo đó, sẽ hình thành bộ máy quản lý, điều hành của Tổng công ty nhằm thống nhất quản lý dùng chung cơ sở hạ tầng, duy trì kinh doanh hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone.
Hiện hai mạng di động trực thuộc VNPT này đang nắm giữ gần 80 triệu thuê bao, chiếm khoảng 58% thị phần di động của thị trường. VNPT cũng đang được quyền khai thác nhiều đầu số nhất (chỉ riêng dải 09, VNPT đã nắm giữ tới 4/10 bao gồm: 090, 091, 093 và 094)…
TP HCM: Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản xiết nợ
Theo nguồn tin từ VTC News, thị trường BĐS đóng băng đẩy nhiều nhà đầu tư trót ôm tiền ngân hàng kinh doanh nhà đất phải “sống mòn” trên khối tài sản. Khi chưa có “thuốc đặc trị” cho thị trường nhà đất, các ngân hàng cũng đứng trước nguy cơ khó thu hồi nợ buộc phải phát mãi tài sản khách hàng thế chấp.
Đơn cử, BIDV gửi sàn bán ngôi nhà trên đường Trần Đình Xu với giá 14 tỷ đồng do không xử lý được khoản nợ đáo hạn của một khách hàng.
Nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản xiết nợ (Ảnh minh họa: Nguồn internet) |
Ở các quận 2, 9 (TPHCM), nhiều nhà đầu tư trước đây “găm” sổ đỏ, hợp đồng mua bán cho ngân hàng để vay vốn đầu cơ, lướt sóng kiếm lời, nay đã phải phó mặc cho ngân hàng xử lý tài sản càng nhanh càng tốt.
Nhiều nhà đầu tư BĐS cho biết thời điểm này “ôm” BĐS càng lâu giá càng tuột dốc, trong khi lãi suất cao, áp lực trả nợ vay và nhiều chi phí phát sinh cho quảng cáo, môi giới.
Từ thực tế trên cho thấy thực trạng vốn vay đầu tư vào BĐS chiếm tỷ lệ lớn trong nợ khó đòi, nợ xấu của các ngân hàng. Đứng trước bối cảnh này các ngân hàng buộc phải tính tới chuyện phát mãi tài sản thế chấp để quay vòng đồng vốn.
Xuất hiện cổ phiếu “lạ” chỉ giao dịch tuần/lần
Thông tin từ Vnmedia cho biết, hôm qua (19/4), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (MCK: KHB) vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 23/4/2012.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Nguyên nhân, tại Báo cáo tài chính kiểm toán số 99/VACO/BCKT.NV2 ngày 31/3/2012 của Công ty được kiểm toán bới Công ty TNHH Kiểm toán Vaco, kiểm toán viên đã không thể đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình, do các ảnh hưởng trọng yếu của các vấn đề hạn chế về hàng tồn kho, số dư phải thu....
Vì vậy, kể từ ngày 23/4/2012, cổ phiếu KHB chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở sẽ có thông báo về việc đưa cổ phiếu Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình ra khỏi diện bị kiểm soát, sau khi Công ty khắc phục được tình trạng nêu trên theo Quy chế niêm yết chứng khoán.
Đồng Nai: 2 cửa hàng bán sản phẩm chứa chất cấm
Nguồn tin từ Dân Việt cho hay, theo tin từ Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai ngày 19.4, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của ông Nguyễn Văn Lượm, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, Đội Quản lý thị trường số 12 phát hiện 4 gói bột dùng trong chăn nuôi hiệu B.Complex-C, 1 gói bột Nutri Meat.
Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom, kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Tây Hòa, Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện và tạm giữ gần 570kg thức ăn chăn nuôi không có nhãn hiệu hàng hóa.
Qua lấy mẫu kiểm định, kết quả cả 2 loại sản phẩm tại cửa hàng của ông Lượm đều có chất cấm Salbutamol. Còn kiểm nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi của cửa hàng ở xã Tây Hòa, có 1 bao gần 10kg có chất cấm Salbutamol.
Hà Lan bắt đầu mê cá tra Việt Nam
Cũng theo nguồn tin từ Dân Việt, cá tra Việt Nam đã vượt qua cá ngừ đóng hộp để trở thành sản phẩm cá được ưa chuộng nhất tại thị trường Hà Lan.
Cá tra của Việt Nam bán rất chạy tại thị trường Hà Lan (nguồn Internet) |
Theo Ban Tiếp thị Thủy sản Hà Lan, năm 2011, nước này tiêu thụ 5.500 tấn cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, tăng gần 20% so với năm 2010. Mức tăng trưởng này vẫn tiếp tục tăng lên 30% trong 3 tháng đầu năm 2012. Trong đó tiêu thụ cá tra tươi vẫn ở mức 1.000 tấn, riêng cá tra đông lạnh tăng mạnh từ 3.600 tấn của năm 2010 lên 4.500 tấn năm 2011.
Nhà cung cấp cá tra lớn nhất tại Hà Lan là Queen Products đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh từ 2.100 tấn năm 2010 lên 2.900 tấn năm 2011. Queen hiện chỉ nhập khẩu cá tra từ Công ty Vĩnh Hoàn của Việt Nam.
Wilmar dự định đầu tư 300 triệu USD vào Indonesia
Tập đoàn Wilmar lớn nhất thế giới về sản xuất và chế biến dầu cọ và dầu cọ được cấp chứng chỉ bền vững (CPO), niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, dự định đầu tư 300 triệu USD xây dựng một nhà máy sản xuất bột và một nhà máy lọc dầu sinh học tại thành phố Gresik ở Đông Java.
Wilmar dự định đầu tư 300 triệu USD vào Indonesia (Nguồn Internet) |
Giám đốc điều hành chi nhánh Wilmar tại Indonesia, MP Tumangor, cho biết tập đoàn thông qua công ty PT Wilmar Nabati Indonesia sẽ triển khai dự án ở Gresik, và nhà máy sản xuất bột sẽ được hoàn thành vào năm 2013, còn nhà máy lọc dầu sinh học đang được xây dựng sẽ xử lý dầu cọ thô và một số chất chiết xuất từ dầu cọ. Hiện Wilmar đã sản xuất được 20 trong tổng số khoảng 40 chất có thể chiết xuất từ dầu cọ thô.
Wilmar quyết định mở rộng đầu tư do đánh giá cao tiềm năng tài nguyên và thị trường của Indonesia.
Từ năm 1991 đến nay, Wilmar đã đầu tư 33.000 tỷ rupiah (3,6 tỷ USD) vào Indonesia, và 63% sản lượng các sản phẩm sản xuất tại Indonesia của Wilmar được dành cho xuất khẩu và 37% còn lại cho thị trường nội địa.
Hương Trà (tổng hợp)