SHB thâu tóm HABUBANK: Một cổ phần đổi 1,34
Theo nguồn tin từ Tiền phong, ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank-HBB) sẽ sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Thông tin này vừa bị phát lộ, khi giới thạo tin có trong tay biên bản thỏa thuận về việc sáp nhập giữa hai ngân hàng.
Trong biên bản ghi nhớ được ký giữa hai chủ tịch ngân hàng, SHB và HBB thống nhất xác định chuyển đổi cổ phần, theo đó 1 cổ phần của SHB được hoán đổi ngang với 1,34 cổ phần của HBB.
Cách đây ba tuần, HBB từng phủ nhận thông tin sáp nhập vào SHB. |
SHB sẽ phát hành số lượng cổ phiếu cho cổ đông của HBB tương ứng với số lượng cổ phiếu các cổ đông của HBB đang nắm giữ và ngay khi được phân phối, các cổ đông của HBB sẽ trở thành cổ đông của SHB.
Mặc dù việc sáp nhập chưa chính thức diễn ra, nhưng về cơ bản SHB đã đặt “bàn tay quyền lực” của mình trong việc chi phối các hoạt động, quyền sở hữu tài sản của HBB.
Các chuyên gia cho rằng, đây là vụ sáp nhập của một ngân hàng này (HBB) vào ngân hàng kia (SHB). Tính chất thâu tóm là rất rõ ràng và việc bị thâu tóm cũng là xu hướng tất yếu đối với các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.
Nhà đầu tư Việt mua đứt thị trấn Mỹ với 19 tỷ
Theo nguồn tin từ VnEconomy, hãng tin CNN cho biết, hai nhà đầu tư đến từ Việt Nam không rõ danh tính đã thắng trong cuộc đấu giá thị trấn Buford thuộc bang Wyoming của Mỹ diễn ra vào ngày 5/4.
Thị trấn này bắt đầu được ông Don Sammons, cư dân duy nhất, người tự phong là chủ sở hữu kiêm thị trưởng, rao bán từ hồi giữa tháng 3, với giá khởi điểm 100.000 USD, tương đương chưa đến 2,1 tỷ VND.
Ông Don Sammons tại địa điểm tổ chức buổi bán đấu giá thị trấn Buford ngày 5/4. |
Trong cuộc bán đấu giá hôm qua, mức giá khởi điểm mà các nhà đầu tư trả là 100.000 USD, sau đó giá nhanh chóng tăng lên đến 900.000 USD, tương đương xấp xỉ 19 tỷ VND. Người thắng cuộc, được các hãng tin của Mỹ cho là một hoặc hai người Việt Nam.
Có khoảng hơn một chục nhà đầu tư tham gia vào cuộc đấu giá diễn ra ngay tại Buford, với hy vọng sẽ giành quyền thâu tóm thị trấn bao gồm một trạm xăng, một căn nhà ba phòng ngủ và một vài tòa nhà nhỏ nằm trên diện tích hơn 4 hectar ở độ cao 2.438m so với mặt nước biển.
Hậu Bianfishco: Ngành thủy sản ngấp nghé bên bờ phá sản
Theo tin từ Người lao động, sau vụ nợ nần ở Bianfishco, các ngân hàng đồng loạt siết chặt tín dụng đối với những doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL khiến hàng loạt công ty “hấp hối”.
Tính riêng trên địa bàn Cà Mau giữa tháng 3-2012, nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản phải tạm đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng và không có tiền trả lương cho công nhân với lý do thiếu nguyên liệu chế biến.
Thu hoạch tôm xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh |
Tuy nhiên, nguyên nhân thực chất chính là bị siết chặt tín dụng sau vụ Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) nên nhiều DN không có vốn để làm ăn. Nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng đang khốn đốn trầm trọng.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ năm 2011, nhiều DN thủy sản bắt đầu tụt dốc. Đã có DN thủy sản không trụ được phải phá sản hoặc sáp nhập, bán cho người khác. Theo ông Hải, việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn ngay thời điểm này đã quá tầm của VASEP mà cần phải có sự can thiệp từ Chính phủ.
Chỉ cấp phép kinh doanh vàng miếng 1 lần
Theo nguồn tin từ Dân trí, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN đưa ra lấy ý kiến có quy định giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ được cấp 1 lần.
Đưa việc kinh doanh vàng vào "khuôn phép". |
Khi được NHNN cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện các hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng và xuất khẩu, nhập khẩu vàng
Còn giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là giấy phép cấp hàng năm.
Thu giữ hơn 20.000 áo thun nhái Lacoste
Theo tin từ Tuổi trẻ, đội quản lý thị trường 3A (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) vừa phát hiện ba cơ sở sản xuất áo thun (Q.Tân Phú) giả nhái nhãn hiệu, thu giữ khoảng 20.000 áo thun thành phẩm và bán thành phẩm gắn mác Lacoste cùng máy móc liên quan.
Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Đại Huỳnh Gia (Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú), quản lý thị trường phát hiện hơn 30 công nhân đang làm việc, thu giữ gần 6.000 áo thun ghi “made in France”, 6.000 áo thun dạng bán thành phẩm, hơn 300kg nhãn...
DN kinh doanh bất động sản không được ưu đãi thuế
Theo Pháp luật TP HCM, Bộ Tài chính vừa có Công văn 3898 trả lời vướng mắc về chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản.
Theo đó, DN kinh doanh bất động sản nhỏ và vừa, dù thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đúng quy định và đăng ký nộp thuế theo kê khai vẫn không được gia hạn đối với số thuế phải nộp từ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Nếu DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, đồng thời thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai thì được giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2011 theo Nghị quyết số 08/2011/QH13.
Iran đầu tư 30 tỷ USD vào ngành dầu mỏ và khí đốt
Theo nguồn tin từ Vietnam+, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi cho biết nước này sẽ đầu tư ít nhất 30 tỷ USD vào ngành dầu mỏ trong nước trong năm hiện tại của Iran bắt đầu từ ngày 20/3.
Ông Qasemi nói rằng phần lớn số tiền kể trên sẽ được phân bổ vào các dự án khí đốt của Iran.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Trước đó hôm 2/4, ông này tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran đã thất bại và sẽ không thể ngăn cản bước tiến của Tehran.
Theo ông, nước Cộng hòa Hồi giáo đã chống chọi được những tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ của mình.
Liên minh Châu Âu, Mỹ và một số quốc gia khác đã áp đặt một lệnh cấm vận dầu mỏ như một phần của các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc Iran phải nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
Hương Trà (tổng hợp)