Đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Hà Nội

02/06/2021 09:02
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước quyết định việc lựa chọn tư vấn thẩm tra theo đúng quy định pháp luật...

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước quyết định việc lựa chọn tư vấn thẩm tra theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tư vấn thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm, phát huy tối đa hiệu quả và tiết kiệm trong công tác thuê tư vấn thẩm tra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuê nhà thầu tư vấn thẩm tra dự án.

Ảnh minh họa: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Ảnh minh họa: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày.

Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy trình đấu thầu thông thường sẽ mất thời gian khoảng từ 9 đến 12 tháng mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra, dẫn tới không có đủ thời gian thẩm định để kịp trình Quốc hội theo quy định. Đây là yếu tố đặc thù của các dự án quan trọng quốc gia.

Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra (liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài) trong trường hợp đặc biệt theo quy trình, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc có tổng mức đầu tư lớn; có yêu cầu cao về thiết kế, công nghệ. Từ kinh nghiệm cũng như thực trạng đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua cho thấy, một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, như hướng tuyến, phương án thiết kế sơ bộ, tổng mức đầu tư, công nghệ sử dụng, khả năng bảo đảm an toàn khai thác, vận hành...

Trong khi đó, thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, nên không có đủ thời gian, cũng như kinh nghiệm trong việc thẩm định các nội dung yêu cầu chuyên môn sâu về kỹ thuật, công nghệ của dự án. Do đó, cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án.

Nhật Minh