Tech4Good là cuộc thi về dự án khởi nghiệp được Công ty Huawei tổ chức, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của sinh viên về các thách thức đối với sự phát triển bền vững của địa phương, cùng với việc nắm bắt xu hướng số hóa mới nhất, từ đó phát triển các giải pháp khả thi cả về mặt kỹ thuật và thương mại, giải quyết các vấn đề xã hội.
Đội Việt Nam gồm 6 sinh viên đến từ 4 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam với dự án SkyNet - hỗ trợ tìm kiếm người gặp nạn trong lũ lụt đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Tech4Good khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vào vòng chung kết toàn cầu diễn ra vào ngày 11/4/2025 tại Trung Quốc.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Trần Đăng Nam - một trong 6 sinh viên tham dự cuộc thi và cũng là gương mặt tiêu biểu của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Nam đang là sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Ý tưởng của dự án bắt nguồn từ trong bối cảnh cơn bão Yagi
Đăng Nam cho biết: “Tôi và các đồng đội đã vô cùng ngạc nhiên xen lẫn tự hào khi biết dự án SkyNet của nhóm giành giải Nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và được vào vòng chung kết toàn cầu năm 2025. Đó là khoảnh khắc chúng tôi cảm nhận rõ ràng rằng mọi nỗ lực, ý tưởng và công sức bỏ ra suốt thời gian qua đã được đền đáp xứng đáng. Dự án SkyNet, với giải pháp sử dụng máy bay không người lái (drone) hỗ trợ công tác cứu nạn, đã ghi điểm mạnh mẽ với ban giám khảo nhờ tính thực tiễn cao, đặc biệt trong bối cảnh cơn bão Yagi năm 2024 vừa qua.
Cá nhân tôi là một thành viên của nhóm VNVD (Việt Nam Vô Địch) đã may mắn được trở thành ứng viên của giải nhất khu vực APAC trong cuộc thi vừa rồi. Thành công ấy không chỉ tiếp thêm động lực cho tôi trong việc học tập, mà còn là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục phát triển và hoàn thiện dự án trong giai đoạn tiếp theo”.

Nam chia sẻ, ý tưởng dự án SkyNet được nhóm hình thành vào tháng 9/2024, trong bối cảnh cơn bão Yagi gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực. Qua khảo sát thực tế và trao đổi với các đội cứu hộ, nhóm nhận thấy quá trình cứu trợ hiện tại còn gặp hai vấn đề chính.
Thứ nhất là chậm trong việc tìm người. Các đội cứu hộ phải đi từng nhà để tìm kiếm người gặp nạn, với tốc độ rất chậm, khảo sát cho thấy để tìm kiếm trên diện tích 10km², đội cứu hộ cần tới khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Thứ hai là chậm trong việc xác định vị trí người cần cứu. Hiện nay, các đội cứu hộ chủ yếu sử dụng Google Maps để tìm đường, nhưng trong tình huống lũ lụt, các tuyến đường này thường bị chia cắt do nước xiết hoặc cây đổ, khiến việc tiếp cận nạn nhân mất nhiều thời gian hơn.
Trước thực tế đó, nhóm đã phát triển hệ thống SkyNet, với hai tính năng chính là SkySearch và SkyNav, sử dụng drone như một trợ thủ đắc lực cho công tác cứu hộ.
“Trong đó, SkySearch tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất: xác định vị trí người cần cứu. Nhóm trang bị drone bằng camera AI kết hợp với mô hình AI chuyên biệt để nhận diện con người trong môi trường ngoài trời, dù bị che lấp một phần bởi cây cối hay vật cản. Đặc biệt, nhóm còn tích hợp công nghệ Mini-SAR được phát triển dựa trên công nghệ radar SAR (Synthetic Aperture Radar) của NASA giúp drone có thể phát hiện người bị che khuất dưới lớp tường mỏng, qua đó hỗ trợ xác định vị trí nạn nhân cả khi họ đang mắc kẹt trong nhà.
Sau khi đã xác định được người cần cứu, tính năng SkyNav sẽ giúp đội cứu hộ tiếp cận nhanh chóng và an toàn hơn. Dữ liệu từ drone sẽ được xử lý để “định vị” cả vị trí của người gặp nạn lẫn các vật cản như nước siết hay cây đổ, rồi biểu diễn lên bản đồ số. Đối với vật cản, hệ thống sẽ đánh dấu (tick) chúng trên bản đồ, sau đó sử dụng thuật toán Dijkstra (đã được nhóm hiệu chỉnh riêng cho bối cảnh lũ lụt) để gợi ý tuyến đường tối ưu cho đội cứu hộ, tránh các điểm nguy hiểm. Còn với người gặp nạn, sau khi camera AI phát hiện, thuật toán bên trong sẽ tính toán tọa độ chính xác và hiển thị vị trí của họ lên bản đồ.
Nhờ sự kết hợp giữa SkySearch và SkyNav, hệ thống SkyNet do nhóm phát triển giúp giải quyết triệt để hai vấn đề nêu trên: vừa rút ngắn thời gian xác định vị trí người cần cứu, vừa tối ưu hóa đường đi để đội cứu hộ có thể tiếp cận nhanh hơn, an toàn hơn. Qua đó, nhóm kỳ vọng SkyNet sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong các chiến dịch cứu hộ lũ lụt trong tương lai”, Nam thông tin.
Một số hoạt động sinh viên Trần Đăng Nam từng tham gia trong quá trình học tập tại Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh:
Dạy tình nguyện Cyberkid cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông về an toàn trên không gian mạng năm 2023.
Tham gia đội hình xuân tình nguyện 2024.
Là thành viên câu lạc bộ tiếng anh tại trường “Shape English Club”.
Tham gia mô phỏng liên hợp quốc MUN năm 2024.
Giải thưởng sinh viên có thành tích xuất sắc trong các phong trào học thuật, thể dục thể thao 2024 vinh dự được Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh.
Mong muốn đóng góp phần nhỏ vào sự phát triển công nghệ của đất nước
Nam bày tỏ, vòng chung kết toàn cầu cuộc thi Tech4Good đã diễn ra vào ngày 11/4/2025 tại Trung Quốc, quy tụ 12 đội mạnh nhất đến từ các khu vực trên thế giới. Đây là một cuộc tranh tài thực sự khốc liệt bởi các đội đều là những nhà vô địch khu vực, mang đến những ý tưởng và sản phẩm rất thực tiễn. Mỗi quốc gia đều tập trung giải quyết những bài toán lớn như y tế, nông nghiệp, tái chế và cứu trợ thiên tai. Điều đặc biệt là các dự án không chỉ dừng lại ở ý tưởng, mà đều có giải pháp khả thi, có thể áp dụng vào thực tế. Chính vì thế, sức cạnh tranh tại vòng thi này được nhận định là rất cao và đầy thách thức.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị, Nam cho biết, sau khi đội giành giải Nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vào tháng 9/2024, nhóm đã ngay lập tức lên kế hoạch và bắt tay vào phát triển sản phẩm cho vòng chung kết. Quá trình này kéo dài từ đầu tháng 10/2024 đến tháng 4/2025, với rất nhiều nỗ lực và sự cộng tác bền bỉ. Ngay từ đầu tháng 10, nhóm đã phối hợp với Phòng thí nghiệm Điện tử Hàng không Vũ trụ (Aerospace Electronics Laboratory) của Đại học Bách Khoa Hà Nội để thực hiện các chuyến bay thực tế, thu thập dữ liệu về cơn bão Yagi tại Bắc Ninh. Song song với đó, nhóm làm việc hàng tuần, liên tục cải tiến và hoàn thiện sản phẩm.

“Dù hành trình chuẩn bị không ít khó khăn, nhưng nhóm đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các thầy cô của Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học VinUni và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Sự đồng hành từ các chuyên gia không chỉ giúp nhóm hoàn thiện ý tưởng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nhóm còn được các anh chị, cô chú từng tham gia cứu trợ trong tâm bão hỗ trợ trong quá trình khảo sát thực tế, giúp nhóm có cái nhìn sâu sắc hơn về những vấn đề cần giải quyết.
Do đó, dù đội không đạt giải tại vòng chung kết lần này, nhưng tôi và các thành viên vẫn rất tự hào về những gì nhóm đã nỗ lực thực hiện và về hành trình đã góp phần đưa hình ảnh sinh viên Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bởi chúng tôi được đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam trên đấu trường quốc tế, được đại diện cho ngôi trường thân yêu tham gia tranh tài và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của gia đình, bạn bè và thầy cô”, Nam nhấn mạnh.
Theo Nam, việc cân bằng giữa học trên lớp và phát triển dự án không phải là điều dễ dàng. Để có thể sắp xếp hợp lý, Nam đã chủ động cắt giảm bớt thời gian dành cho các hoạt động giải trí, thay vào đó, bản thân tranh thủ hoàn thành bài tập trên lớp trước. Nhờ vậy, khoảng thời gian còn lại trong ngày, Nam có thể tập trung cùng đội nhóm phát triển dự án một cách hiệu quả hơn. Dù lịch trình bận rộn, Nam vẫn duy trì thói quen rèn luyện thể chất với tần suất ba buổi mỗi tuần, giúp cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tỉnh táo.
“Thú thật, đây là giai đoạn khá vất vả, vì việc làm dự án cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc học. Nhưng tôi rất biết ơn vì luôn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, những người đã giúp tôi trong việc học để tôi yên tâm theo đuổi dự án. Đồng thời, sự động viên của gia đình và thầy cô cũng tiếp thêm cho tôi rất nhiều tinh thần, giúp tôi cảm thấy vững vàng hơn”, Nam bày tỏ.
Nam cho biết, sau khi đạt giải khu vực APAC, bản thân được nhiều người biết đến và dành nhiều tình cảm hơn. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đó, Nam cũng cảm nhận rõ áp lực khi mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào mình. Trong quãng thời gian này, Nam may mắn nhận được sự động viên tinh thần từ gia đình, đặc biệt là bố mẹ và các anh chị. Bên cạnh đó, bạn bè và thầy cô cũng luôn ở bên, tiếp thêm động lực để Nam vượt qua khó khăn. Nhờ sự đồng hành và ủng hộ đó, tinh thần của Nam dần tích cực trở lại để chuẩn bị tốt cho cuộc thi gần đây.
“Đối với tôi, con đường theo đuổi ngành công nghệ không hề dễ dàng và chắc chắn sẽ có những lúc cảm thấy mệt mỏi, nản chí hoặc thậm chí muốn từ bỏ. Tuy nhiên, mỗi lần đối diện với khó khăn, tôi lại tự nhắc nhở mình về lý do tại sao mình bắt đầu con đường này và những gì tôi thực sự mong muốn. Chính niềm tin là một công dân Việt Nam, tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển công nghệ trong kỷ nguyên số của đất nước, đã giúp tôi vượt qua thử thách.
Tôi vẫn tiếp tục kiên trì và hy vọng rằng sẽ có thể góp sức vào sự phát triển bền vững của ngành công nghệ Việt Nam trong thời gian tới. Trong tương lai, tôi dự định sẽ tiếp tục theo đuổi công việc trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI) với mong muốn tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng”, Nam nhắn nhủ.