Du lịch... hành xác thời khủng hoảng

01/08/2012 12:03
Theo TTVN
Bị chặt chém không thương tiếc, nhiều người khóc dở mếu dở vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, ‘mang con bỏ chợ’ của công ty T.L. Chị Khánh ngao ngán: “Nếu biết công ty làm ăn tỏn hoẻn thế này, mình chẳng đi cho xong”.

“Biết công ty làm ăn tỏn hoẻn thế này, mình chẳng đi cho xong”!
Với mục đích chăm sóc đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), hàng năm các công ty thường tổ chức chương trình nghỉ mát vào dịp hè cho nhân viên và gia đình nhân viên tại các khu du lịch, danh thắng trong và ngoài nước.

Du lịch biển là lựa chọn hàng đầu của các công ty.
Du lịch biển là lựa chọn hàng đầu của các công ty.

Tháng 6/2012, công ty chị Nhung tổ chức cho 3000 người lao động đi nghỉ mát tại biển Vân Đồn (Quảng Ninh) gói gọn trong 1 ngày. Chị Nhung rùng mình nhớ lại: “4h sáng mình đã thức dậy sửa soạn cho chuyến đi để kịp có mặt tại trụ sở công ty trước 5h. Xuất phát từ sớm, nhưng đúng 12h trưa đoàn du lịch mới đặt chân đến bãi biển Vân Đồn. Công ty không thuê phòng cho nhân viên, mà thả tất cả xuống bãi biển giữa trưa nắng. Mệt lả, ngồi vạ vật một lúc rồi lên xe về, còn tâm trạng đâu mà tắm biển?”.
Du lịch... hành xác
Hoạt động thường niên này nhằm thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, đáp lại những nỗ lực phấn đấu của người lao động. Đây cũng là hoạt động thiết thực, giúp gắn kết các CBCNV, tạo điều kiện để mọi người giao lưu, tạo sự gắn kết trong công ty. Tuy nhiên, thời khủng hoảng, không phải công ty nào cũng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Câu chuyện của chị Đỗ Thị Nhung, nhân viên phòng Sản xuất, Công ty TNHH T.L, Khu Công nghiệp Nam Sách – Hải Dương là trường hợp điển hình.
“Đã thế, không trợ cấp tiền ăn uống, công ty cũng không báo trước để mọi người chuẩn bị đồ mang đi. May mà mình mang theo hộp sữa và gói bánh của con…”, chị Nhung nói thêm.
Bị chặt chém không thương tiếc, nhiều người khóc dở mếu dở vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, ‘mang con bỏ chợ’ của công ty T.L. Chị Nhung còn nói: “Công ty mình đa số là công nhân may, ít ai muốn bỏ ra 50 nghìn ăn một tô phở lõng bõng nước. Định mua rồi, nghĩ đến con lại thôi…”
1h chiều, công ty lữ hành hô hoán mọi người lên xe trở về công ty, kết thúc chuyến đi. Thấy hành trình nghỉ ngơi, thư giãn của mình không khác gì hành xác, nhiều người kịch liệt phản đối. Khi đó, cán bộ công đoàn mới nghĩ giải pháp mỗi người góp thêm vài chục ngàn để xe ghé qua thăm thú, chụp ảnh kỷ niệm ở Tuần Châu trước khi trở về.
Có phần may mắn hơn chị Nhung, chị Đỗ Thị Kim Khánh, nhân viên Phòng Thí nghiệm, Công ty Cổ phần Thực phẩm M. Food được đi nghỉ mát 2 ngày. Tổng chi phí từ đi lại, ăn ở cho một nhân viên là 950.000 đồng, song chị Khánh cho rằng công ty chưa dùng hết số tiền đó.

“Mang tiếng đi 2 ngày nhưng 12h trưa xe mới khởi hành và đến 3h chiều ngày hôm sau mình đã có mặt tại nhà. Đi biển mà chưa biết đến hải sản là gì, bữa ăn nhai đi nhai lại toàn rau muống xào với thịt lợn kho”. Chị Khánh ngao ngán: “Nếu biết công ty làm ăn tỏn hoẻn thế này, mình chẳng đi cho xong”.

Tâm sự thật của một giám đốc trẻ

Anh Nguyễn Gia Hoàng (Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội), giám đốc công ty quy mô 25 người, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi vẫn cố gắng thu hồi công nợ để lấy tiền trả lương cho nhân viên. Nhờ trời, công ty chưa đến nỗi nợ lương nhưng cũng có lần chậm một vài ngày vì tình hình bất khả kháng”.
Nhân kỷ niệm 3 năm thành lập công ty, anh Hoàng tính cho mọi người đi nghỉ mát và kết hợp tổ chức sinh nhật công ty. Nhưng vì lý do tài chính, anh vẫn chưa có thông báo chính thức với mọi người. Anh phân vân không biết nên tổ chức cho nhân viên đi chơi, hay trả tiền mặt cho nhân viên. Anh nghĩ đi nghỉ mát mà còn băn khoăn chuyện kinh phí cũng mất vui.
Hôm qua là sinh nhật công ty, thấy nhân viên nhắn qua Yahoo mời mọi người xuống liên hoan mà anh không biết lánh đi đâu. Anh muốn ứa nước mắt khi mọi người nhắc nhớ đến những lần tổ chức sinh nhật công ty hoành tráng những năm trước. Cuối cùng, anh Hoàng đã quyết định chia sẻ những khó khăn với nhân viên để mọi người thông cảm, đồng cam cộng khổ vực công ty đi qua giai đoạn khó khăn. 
Anh ngộ ra rằng, tình người không trả lúc này trả lúc khác. Cái chính là sự nỗ lực chèo lái công ty vượt qua thời khắc khủng hoảng. Anh vừa tổ chức cho mọi người đi du lịch trải nghiệm kết hợp với các trò chơi đồng đội ở ngoại thành, không tốn kém mà mang lại nhiều giá trị thiết thực.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Theo TTVN