Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh nội dung này tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc Vận động) tổ chức sáng 2/8, tại Hà Nội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cách đây 10 năm (năm 2009), Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu.
Cuộc vận động đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, ngành công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý.
Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhiều hoạt động cổ vũ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 2016 |
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt Nam với đông đảo người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức.
Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân.
Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, ông Trần Quốc Vượng cho rằng trong thời gian tới Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ; khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Với kênh bán lẻ truyền thống, hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Một số ngành hàng có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%. |