Dublin nằm gần giữa bờ biển phía Đông của Ireland tại cửa sông Liffey. Thành phố này đã trở thành thủ đô của Ireland từ thời trung cổ. Ngày nay, Dublin nổi tiếng thế giới về chất lượng cuộc sống, du lịch và bề dày lịch sử, tôn giáo cũng như chính trị.
Thủ đô Dublin |
Thế nhưng, khi nhắc đến Dublin, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi của những nhà văn đã kiến tạo và thể hiện những phát hiện về ý nghĩa và bản sắc của dân tộc Ireland trong những tác phẩm của họ. Dublin là nơi sản sinh ra các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc không những của Ireland mà cả thế giới. Dublin ảnh hưởng rõ ràng nhất đến thế giới văn học bắt đầu từ thế kỷ 18 với tác phẩm của các nhà văn Ireland dòng dõi Anh. Năm 1592, Đại học Trinity College Dublin được thành lập và chính nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều văn sĩ vĩ đại, trong đó nổi tiếng nhất là George Bernard Shaw, Oscar Wilde, Yeats, James Joyce, Samuel Beckett - những nghệ sĩ đã góp phần làm thay đổi văn học thế giới với những sáng tác được giới phê bình đánh giá như những cột mốc làm cho nghệ thuật trong thi ca, kịch, tiểu thuyết bước sang trang mới. Di sản văn học nơi đây là điều những thành phố khác phải ghen tỵ với 3 nhà văn đạt giải Nobel là người Dublin.
Jonathan Swift (1667 – 1745) |
Nhà văn Ireland đầu tiên được thế giới công nhận tài năng có tên là Jonathan Swift, tác giả của “Gullivers Travels” (Gullivers Du ký) đồng thời là trưởng tu viện của nhà thờ Patrick nổi tiếng. Một cái tên khác cùng thời là Oliver Goldsmith, tác giả của Vicar of Wakefield, một người sinh ra tại Dublin và có ảnh hưởng lớn đến giới sân khấu Anh thời đó.
Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde (1854 - 1900) |
Oscar Wilde (1854) được sinh ra tại số nhà 21, đường Westland Row, Dublin. Những kiệt tác trào phúng, những vở kịch châm biếm, lối chơi chữ và văn phong hóm hỉnh đậm chất Ireland như The Importance of Being Earnest, A Woman of No Importance hay cuốn tiểu thuyết The Picture of Dorian Gray đã làm cho Oscar Widle trở thành một trong những văn sĩ vĩ đại nhất Ireland. Những vụ bê bối của ông trong cuộc sống, những năm tháng trong tù và tranh cãi về giới tính của ông cũng chính là những chủ đề thú vị cho giới nghiên cứu và phê bình tốn nhiều giấy mực cho đến ngày nay. Cũng trong thế kỷ này, Dublin cũng sản sinh ra một số tác gia xuất sắc khác như Joseph Sheridan Le Fanu với rất nhiều mẩu chuyện ma lấy bối cảnh của chính thành phố này; Bram Stoker, sinh năm 1847 tại số nhà 15 phố Marino Crescent Quận Clontarf cũng là một trong những cái tên được người dân Ireland nhắc đến nhiều nhất.
George Bernard Shaw |
Một cái tên rất nổi tiếng khác cùng thời với Oscar Wilde là kịch gia George Bernard Shaw - giải Nobel văn học năm 1925 với những vở kịch phần lớn được trình chiếu trên sàn kịch nước Anh. Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà văn đã diễn ra từ 22 đến 28-7-2006 với các hoạt động phong phú như đọc sách, công diễn kịch và tổ chức các tour du lịch đến nơi nhà văn được sinh ra. Ngôi nhà đầu tiên Shaw ở là số 33, đường Synge nay được xây dựng lại như cũ và mở cửa phục vụ công chúng. Chính nơi đây là nơi Shaw bắt đầu tưởng tượng ra các nhân vật mà sau này đã xuất hiện trong các sáng tác của ông.
William Butler Yeats (1865 - 1939) |
William Butler Yeats - sinh ra tại số 5, đại lộ Sandymunt, Dublin trong một gia đình theo đạo Tin lành - là nhà thơ, kịch tác gia, nhà hoạt động xã hội và một nhà dân tộc chủ nghĩa. Những câu thơ nổi tiếng của ông trong bài Easter 1916 là một tiếng kêu đau đớn về sự tàn phá Dublin của quân đội Anh trong cuộc nổi loạn nổi tiếng năm 1916 trong lịch sử Ailen: “Tất cả đã thay đổi, hoàn toàn thay đổi/ Một vẻ đẹp kinh hoàng sinh ra”. Yeats là một trong những người vô cùng quan trọng trong phong trào phục hưng văn học Ireland. Năm 1923, ông được trao giải Nobel văn học và Ủy ban của giải thưởng cao quý này miêu tả rằng “chất thơ đầy cảm hứng của ông ở một hình thái nghệ thuật cao đưa ra những miêu tả thần thái linh hồn của cả một dân tộc”.
James Joyce (1882 - 1941) |
Ngày 16 tháng 6 hàng năm, thành phố Dublin tổ chức kỷ niệm ngày Bloomsday - ngày kỷ niệm kiệt tác văn học Ulysses và cuộc đời của một nhà văn, có lẽ là đứa con nổi tiếng nhất của Dublin, James Joyce. Thành phố Dublin thực sự biến thành một lễ hội hoành tráng mỗi khi Bloomsday đến với rất nhiều sự kiện diễn ra nhằm mô tả lại nội dung của cuốn tiểu thuyết Ulysses - một trường ca ca ngợi cuộc sống của một người Dublin bình thường trong một ngày bình thường và trong đó Joyce đã đưa vào cuốn tiểu thuyết bối cảnh trọn vẹn của ngày 16 tháng 6 năm 1904.
Ngày lễ Bloomsday |
Dublin hiện lên thật rõ ràng, tỉ mỉ đến từng con đường, từng góc phố, và chính Joyce đã từng tuyên bố rằng nếu Dublin chẳng may bị động đất hay thiên tai phá hủy thì hãy đọc Ulysses của ông để xây dựng lại thành phố. Bảo tàng Sandycove là nơi truyền cảm hứng cho những trang đầu tiên của Ulysses và bối cảnh của chương đầu tiên trong kiệt tác này dựa trên tòa tháp mà ngày nay có tên là James Joyce. Chính Ulysses đã đưa Joyce trở thành một trong những nhà văn vĩ đại và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Samuel Beckett (1906 - 1989) |
Samuel Beckett, sinh ra tại Dublin nhưng sau đó chuyển đến Paris sống tha hương và trở thành thư ký và một người bạn của Joyce khi Joyce viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình Finnegans Wake. Phong cách viết khác lạ của Beckett đã để lại một dấu ấn vĩnh viễn cho lịch sử văn học thế giới, đặc biệt là kịch phi lý, trong đó nổi tiếng nhất là Trong khi chờ Godot. Beckett được trao tặng giải Nobel văn học năm 1969 cùng với lời ca ngợi “các sáng tác của ông sử dụng những dạng thức mới của tiểu thuyết và kịch để biến đổi sự nghèo khổ, túng quẫn của con người hiện đại thành niềm hạnh phúc tột cùng”. Truyền thống văn học của Dublin vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ngày nay. Gần đây nhất, một số nhà văn nổi tiếng của Ireland, những văn sĩ đạt các giải thưởng văn học uy tín thế giới như Nobel, Booker… cũng đã từng sinh sống ở Dublin như Seamus Heaney, Michael Longley, Eavan Bolan, Roddy Doyle, John Banville.
Để phát huy truyền thống cũng như di sản văn hoá đồ sộ kể trên, chính quyền thành phố đã đóng góp một vai trò quan trọng. Đó là những chính sách xây dựng một môi trường sinh hoạt văn học thường xuyên, đa dạng như việc đưa vào hoạt động bảo tàng các nhà văn Dublin, các dạ hội dành cho giới văn sĩ, các hoạt động sáng tác, thảo luận nhằm gợi nên những cuộc đối thoại hấp dẫn giữa độc giả và nhà văn. Dạ hội các nhà văn Dublin đã diễn ra từ ngày 14 - 18/6/2006, đã giới thiệu khoảng 40 nhà thơ, nhà văn của Ireland và thế giới với các hoạt động phong phú như đọc, nói chuyện, thảo luận theo nhóm và những sự kiện này đều được tổ chức tại trung tâm thành phố Dublin. Xen kẽ với các hoạt động chuyên môn là những chương trình được tổ chức miễn phí cho đông đảo quần chúng nhân dân Dublin. Một chính sách nữa mà chính phủ Ireland đã thực hiện: đó là tất cả những văn sĩ Ireland đều không phải đóng thuế thu nhập. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc duy trì và phát huy truyền thống yêu chuộng văn chương nơi đây. Với sự hỗ trợ của Hội đồng nghệ thuật Ireland, Hội đồng thành phố Dublin đã tổ chức dạ hội những nhà văn Dublin. Lễ hội này được tổ chức nhằm khẳng định di sản văn học đồ sộ và vai trò quan trọng của văn học trong đời sống đương đại đang thay đổi nhanh chóng từng ngày. Năm 2005, dạ hội này đã giới thiệu khoảng 40 nhà thơ, nhà văn của Ireland và thế giới trong 4 ngày với các hoạt động phong phú như đọc, nói chuyện, thảo luận theo nhóm và những sự kiện này đều được tổ chức tại trung tâm thành phố Dublin. Xen kẽ với các hoạt động chuyên môn là những chương trình được tổ chức miễn phí cho đông đảo quần chúng nhân dân Dublin. Ngoài ra, phải kể đến một loạt sáng kiến khác của lãnh đạo thành phố nhằm duy trì tình yêu văn học của nhà văn và độc giả như Bảo tàng các nhà văn Dublin, Dự án Liffey, Trung tâm nhà văn Ireland, Giới nhà văn Dublin, MS Readathon (một hoạt động thường niên ở đó bạn đọc được hỗ trợ để có thể đọc được càng nhiều sách càng tốt trong 4 tuần), Trung tâm trao đổi văn học Ireland… Dublin còn chìm ngập trong các hiệu sách, thư viện từ cấp trường đại học đến tầm cỡ quốc gia. Dường như tất cả để phục vụ cho tình yêu sách, yêu văn chương của người dân nơi đây và nếu một ai đó nói với bạn rằng “Ở Dublin, mỗi người dân đều có một cuốn tiểu thuyết của riêng mình” thì bạn đừng quá bất ngờ. Quả thật, Dublin đúng là một thành phố của nhà văn và độc giả.
Theo Tuoitre