Chuyện tiến cử và dùng người của người xưa
Người xưa cũng đã biết được tầm quan trọng và có chủ trương rõ ràng trong việc tiến cử và sử dụng nhân tài. Vì thế mà người tiến cử hay người sử dụng không thể không thận trọng.
Nước Tần thời Đông Chu liệt quốc có chính sách: “Người tiến cử hiền tài thì cũng được thưởng như người được tiến cử. Ai tiến cử những người không tốt thì cũng có tội liên đới”.
Nhờ đó mà nước Tần thu hút được nhân tài và trở nên giàu mạnh.
Đọc Tam quốc, chúng ta thấy Khổng Minh vì tin dùng Mã Tốc mà thất thủ ở Nhai Đình gây ra cục diện rất bất lợi cho nước Thục. Sau đó chính ông đã dâng biểu xin vua giáng chức quan của mình xuống 3 cấp.
Ở Việt Nam chúng ta, quan Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179) đời Lý cũng là một tấm gương sáng về tiến cử người tài.
Việc tiến cử và sử dụng nhân tài (Ảnh: tuanvietnam.vn) |
Khi Tô Hiến Thành ốm nặng, quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm túc trực hầu hạ ông, nhưng ông vẫn không tiến cử làm người thay mình (vì biết ông này chỉ có tài hầu hạ) mà ông nhất quyết tiến cử quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá (vì biết đây là người có tài giúp nước).
Chuyện bổ nhiệm rồi...bổ chửng ngày nay
Dư luận chắc chưa quên vụ án Dương Chí Dũng. Ông ta đã có rất nhiều sai phạm khi làm Chủ tịch Vinalines nhưng sau đó vẫn được bộ chủ quản tham mưu để được bổ nhiệm lên làm Cục trưởng Cục Hàng hải.
Chỉ vài tháng sau thì ông ta bị khởi tố và đã kịp chạy trốn ra nước ngoài trước khi bị bắt. Rồi sau đó cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới bắt được kẻ “tham nhũng” cỡ bự này.
Gần đây nhất là vụ bắt giam và khởi tố ông Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Người mà mới đúng 1 năm trước đã được bổ nhiệm vào chức vụ này.
Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông này bị bắt vì đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281 - Bộ luật hình sự và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự” (trong bài Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn bị bắt vì tội gì?).
Có một loại thước đo "đặc biệt" để đánh giá sự trung thực của cán bộ (GDVN) - Không ai hiểu cán bộ bằng dân. Hãy để người dân tự đánh giá cán bộ tốt hay xấu... |
Chỉ từ hai vụ án điển hình trên, chúng ta phần nào thấy được công tác đánh giá, tham mưu, bổ nhiệm cán bộ quả là còn nhiều hạn chế.
Có người làm cán bộ cấp thấp hơn đã không hoàn thành tốt được nhiệm vụ, thậm chí còn mắc sai phạm lại được đề xuất và bổ nhiệm lên cấp cao hơn (như ông Dương Chí Dũng chẳng hạn).
Cho nên đến khi bị các vị này bị các cơ quan vào cuộc thì mới phát hiện ra được năng lực thực chất và cả tội trạng của họ thì chứng tỏ rõ ràng là quy trình đánh giá, bổ nhiệm có vấn đề.
Tuy vậy, các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo ký quyết định bổ nhiệm có vẻ như không liên quan khi nói rằng: “Bổ nhiệm đúng quy trình”.
Theo thiển ý của người viết, quy trình nào thì quy trình, nhưng kết quả đã sai “mười mươi” rồi thì phải xem lại quy trình đó chứ không thể ngụy biện được.
Công tác tổ chức cán bộ là một công tác cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vì nó không chỉ có ý nghĩa quyết định đến kết quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị có cán bộ được bổ nhiệm mà còn tác động tới niềm tin của nhân dân về công tác này.
Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm trong công tác bổ nhiệm, đòi hỏi bộ phận tham mưu, đề xuất phải công tâm, kĩ lưỡng, sâu sát, có năng lực “biết người”... tránh không để bổ nhiệm xong...rồi lại bổ chửng!
Tài liệu tham khảo:
- Những mẩu chuyện lịch sử nổi tiếng Trung Quốc: Tang Du chủ biên (Phong Đảo dịch), NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1998.
- Tinh hoa mưu trí trong Tam quốc:, Hắc Vũ Giai ( Nguyễn Bá Thính dịch), NXB Lao Động, Hà Nội, 1996.
- Các triều đại Việt Nam: Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2001.