Bất thường hay bình thường?
Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 về công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập cho thấy, trong số gần 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ 4 người kê khai không trung thực.
Cũng mới đây, Hà Nội đã công bố kết quả phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2015. Trong tổng số 34.213 người kê khai tài sản (năm 2014), không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản thu nhập không trung thực.
Tranh biếm họa của Lê Phương (LEO) |
Đây có thể coi là tin vui đối với những người quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Bởi nếu việc xác minh, kê khai tài sản là một trong những biện pháp chống tham nhũng, thì với bảng “thành tích” kể trên, có thể thấy cán bộ ta… rất trong sạch.
Nhưng cũng thật khó tin, khi xã hội còn đó sự rối trá, số cán bộ kê khai tài sản không trung thực chỉ đếm trên đầu ngón tay (hoặc không có trường hợp kê khai không trung thực) thì quả thật là… có vấn đề.
Trong khi đó, một khảo nghiệm khác (chỉ số PAPI năm 2014, về kết quả nghiên cứu
Điều gì còn bị che giấu phía sau 1 triệu bản kê khai tài sản? |
và khảo sát xã hội học về quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) chỉ rõ, có khoảng 50% người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức.
Kết quả cũng cho thấy khoảng 43% cho biết họ phải hối lộ để được phục vụ ở các bệnh viện công tuyến huyện. 30% số người có con đang học tiểu học cho biết họ phải hối lộ...
Các hành vi nhận “lót tay”, vòi vĩnh là biểu hiện của tham nhũng, thì "căn bệnh" này đã phổ biến, trở thành “tập quán” ở Việt Nam, theo cách nói của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng trên Báo Giáo dục Việt Nam hôm 7/5.
Cũng trong năm 2014, đánh giá của Tổ chức minh bạch thế giới cho thấy, Việt Nam có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng.
Tham nhũng nghiêm trọng tới mức người ta có thể được đo lường cụ thể bằng con số trăm tỷ, ngàn tỷ thì quả thật rất đáng báo động: "Người ta làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa", Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ được báo Tuổi trẻ dẫn lời hôm 27/5.
Ông Vũ Quốc Hùng: "Muốn biết ai tham nhũng, cứ hỏi dân". (Ảnh: Báo Đời sống và Pháp luật) |
Tại sao tham nhũng được đánh giá đang còn ở mức nghiêm trọng, phức tạp, nhưng lại tỉ lệ nghịch với con số thống kê về mức độ minh bạch về tài sản?
Giới chuyên gia tỏ vẻ nghi ngờ, đồng thời cho rằng, kết quả kê khai, xác minh tài sản chưa phản ánh đúng mức độ tham nhũng ở Việt Nam.
“Không loại trừ trường hợp người ta kê khai, thống kê tài sản, thu nhập để lấy thành tích hơn là đi vào thực chất để tìm giải pháp khắc phục...", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm trên báo Giáo dục Việt Nam hôm 1/7.
Cán bộ tốt, xấu hãy để dân tự đánh giá
Kết quả kê khai tài sản nói trên sẽ khó có tính thuyết phục nếu việc thực hiện chỉ mang tính hình thức. Hay
Được tiền tỷ khi chống tham nhũng, có phải là điều dân muốn? |
nói cách khác, công tác phòng chống tham nhũng sẽ khó đạt hiệu quả cao nếu việc thực hiện kê khai, xác minh tài sản theo kiểu... báo cáo cho nhau nghe. Hay việc xử lý cán bộ tham nhũng chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn.
"Trong khi đó cơ chế để tạo ra sự công khai, minh bạch trong việc xác minh, kê khai tài sản, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng chưa được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nói.
Càng khó có chuyện chống được tham nhũng khi người được giao trách nhiệm còn biểu hiện tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.
"Không loại trừ trường hợp ngay cả những người làm nhiệm vụ chống tham nhũng, vẫn có trường hợp tham nhũng, tiêu cực", ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương nêu trên quan điểm trên Báo Giáo dục Việt Nam, hôm 26/12/2014.
Cũng hiếm thấy cán bộ có biểu hiện không trung thực trong kê khai tài sản bị cách chức, buộc thôi việc, hoặc công khai danh tính, tài sản một cách rộng rãi để làm gương cho người khác.
Hình như người ta vẫn "nợ" dân một lời hứa trách nhiệm(?) Bởi hiếm khi người dân nghe thấy cán bộ chống tham nhũng tự hứa trước dân, nếu không chống được tham nhũng sẽ từ chức.
Không phải ai khác, nhân dân là người hiểu rõ nhất “đầy tớ” của họ trung thực, đối xử với dân như thế nào? Tài sản, thu nhập cán bộ ra sao?
Có lẽ, đã đến lúc thước đo cán bộ (xấu hay tốt) nên để cho người dân tự đánh giá. Bởi lẽ cách đánh giá của người dân dựa vào mức độ hài lòng, tin tưởng với những người thực hiện công vụ còn giá trị gấp nhiều lần loại báo cáo theo kiểu... nói (đọc) cho nhau nghe.
"Sự tham gia vào công tác quản trị/giám sát đất nước của người dân phải được coi như một yếu tố quan trọng chứ không thể coi như là một “phong trào”, một sự “chiếu cố” của chính quyền. Có thực hiện được điều này mới thực hạn chế được tham nhũng", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu giải pháp.