Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Hội nghị diễn ra ngày 29/9/2020 có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, 23 tỉnh trồng mắc ca và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các địa phương tham dự hội nghị, đánh giá cao các nhà khoa học đã đưa cây mắc ca vào Việt Nam và bước đầu thành công.
Biểu dương Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Thủ tướng cho rằng phải có người làm và cùng với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các địa phương thì mới đưa được cây mắc ca vào phục vụ nâng cao đời sống người dân.
Thủ tướng nhắc tới nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại với nông dân ngày 28/9 về vấn đề giống, quy hoạch vùng trồng, diện tích canh tác, vấn đề “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”, thị trường tiêu thụ… "Khi người nông dân bổ một nhát cuốc xuống đất thì phải nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ thế nào". Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân chứ không chỉ quan tâm đến xuất khẩu.
Vấn đề nữa Thủ tướng đặt ra là vốn cho sản xuất, “những ngân hàng nào có trách nhiệm cung ứng vốn, lãi suất phù hợp cho việc trồng cây xóa đói giảm nghèo này”.
Đề nghị Hội nghị thảo luận việc xây dựng thương hiệu hạt mắc ca Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh phải đặt vấn đề thương hiệu ngay từ bây giờ. Cùng với đó là chính sách nào để thu hút doanh nghiệp vào trồng, chế biến, tổ chức tiêu thụ mắc ca.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ nông dân đã mang lại thắng lợi bước đầu cho cây mắc ca, trong 5 năm qua đã tăng sản lượng gần 25 lần, đạt khoảng 7.000 tấn hạt, xuất khẩu trên 60%.
Cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân.
Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị. Thủ tướng lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885.
Năm 1902, người Pháp chính thức cho khảo nghiệm. Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều.
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phải trả lời cho được những câu hỏi để làm sao mắc ca có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần có quy hoạch vùng trồng, đi liền với quản lý giống, xử lý vấn đề vốn, đẩy mạnh chế biến sâu… Mắc ca là sản phẩm tốt, cũng là nguyên liệu tốt cho các sản phẩm chế biến sâu khác như nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, socola nhân mắc ca, bột dinh dưỡng… Phải đi theo hướng này thì mới có giá trị gia tăng cao.
Theo Thủ tướng, 10 năm gần đây, diện tích mắc ca trên thế giới phát triển nhanh nhưng chỉ đạt 450.000 ha, sản lượng 200.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1% tổng sản lượng hạt có dầu hiện nay của toàn cầu.
Thủ tướng đặt vấn đề, nếu giữ năng suất 4-5 tấn hạt/ha và giá bán như hiện nay khoảng 6 đô la Australia/kg thì 1 ha cho thu hoạch 200-300 triệu đồng. Do đó, một câu hỏi đặt ra đối với Hiệp hội Mắc ca, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học là tại sao không phát triển nhanh loại cây này.
Thủ tướng nhấn mạnh, giống là yếu tố quyết định. Hiện nay có 13 loại giống được công nhận và một số giống mới do doanh nghiệp nhập về, phải lựa chọn phù hợp. Nhắc lại phản ánh của nông dân về vấn đề giống tại cuộc đối thoại ngày 28/9, Thủ tướng lưu ý, phải quản lý, công bố cụ thể, “đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân”.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.
Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.
Phải quản lý đồng bộ về vấn đề phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch, Thủ tướng nhất trí, có thể thành lập hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất cho đến chế biến.
Sau nhiều năm phát triển, căn cứ vào thực tế, kết quả của hội nghị và những vướng mắc hiện hành, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu xây dựng một nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.