EVN Telecom bị khai tử, hệ lụy còn đến bây giờ

31/07/2013 07:17
Hoàng Lực
(GDVN) - Khó khăn lớn nhất khi Viettel tiếp quản EVN Telecom là "giải bài toán" nhân sự quá cồng kềnh... Kết quả sau 2 tháng tiếp nhận, có tới gần 50% nhân viên EVN Telecom xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc.
Khối tài sản "trong mơ" của EVN Telecom Ít ai nghĩ rằng với những lợi thế rất lớn khi tham gia thị trường viễn thông như được sử dụng các tuyến cáp quang trên đường dây 500kV, 220kV, 110kV đầu tư bằng nguồn vốn dự án điện, hạ tầng cột điện treo cáp viễn thông, tận dụng đất đai và phòng ốc sẵn có của ngành điện để cải tạo hoặc xây mới showroom bán hàng hoặc làm phòng máy cùng đội ngũ nhân viên ngành điện hùng hậu vừa là khách hàng sử dụng dịch vụ của ngành... nhưng chỉ sau 5 năm kinh doanh viễn thông, EVN Telecom đã tiến đến... bờ vực phá sản. Cuối năm 2011, Chính phủ đã phải điều chuyển nguồn vốn, cơ sở vật chất và con người EVN Telecom sang để Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) quản lý với mục đích đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và việc làm cho nhân viên EVN Telecom.
Với cơ sở hạ tầng và sự đầu tư lớn tử công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng EVN Telecom vẫn chịu thất bại cay đắng trên thị trường viễn thông và chấp nhận sáp nhập vào Viettel.
Với cơ sở hạ tầng và sự đầu tư lớn tử công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng EVN Telecom vẫn chịu thất bại cay đắng trên thị trường viễn thông và chấp nhận sáp nhập vào Viettel.
Theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/12/2011, toàn bộ các nguồn vốn, toàn bộ tài sản, trang thiết bị hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được Viettel tiếp nhận kể từ ngày 1/1/2012. Việc tiếp nhận này được thực hiện dưới sự giám sát của Chính phủ và trên cơ sở đàm phán thỏa thuận giữa Tập đoàn Điện lực (EVN) và Viettel. Đó cũng là dấu chấm hết cho giấc mơ làm viễn thông của EVN. Việc chuyển giao diễn ra đúng trình tự kế hoạch,. Về hạ tầng mạng viễn thông trong nước, tài sản EVN Telecom chuyển giao sang Viettel gồm mạng truyền dẫn đường trục quốc gia với trên 40.000 km cáp quang trải rộng khắp 63 tỉnh và thành phố trên cả nước đang khai thác; hệ thống đường trục Bắc – Nam chạy song song đồng thời trên các tuyến dây tải điện 500kV, 220kV với công nghệ hiện đại và dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps; hệ thống cáp OPGW trên lưới điện cao thế 500kV, 220kV, 110kV và hệ thống cáp treo ADSS trên lưới điện trung và hạ thế.
Hệ thống mạng NGN trên quy mô toàn quốc dựa trên hạ tầng mạng truyền tải IP/MPLS với cấu trúc phân lớp (core, edge và access) bao phủ khắp 63 tỉnh/thành phố, bao gồm các thiết bị Softswitch, Media Gateway, Router, hệ thống cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng... Mạng NGN hiện nay cũng là hạ tầng mạng cung cấp dịch vụ VoIP đến tất cả các tỉnh trên toàn quốc. Ngoài các POP trong nước, EVN Telecom đã triển khai nhiều POP trên thế giới (Hồng Kông, Mỹ...) tạo thành một mạng kết nối toàn cầu. Về mạng viễn thông quốc tế, Viettel tiếp nhận từ EVN Telecom các mạng cáp quang lớn nhất thế giới và khu vực, kết nối Việt Nam với các nước trên thế giới qua 3 cổng truyền dẫn quốc tế. Trong đó, với tuyến cáp quang biển Liên Á – IACS có tổng dung lượng là 3.84Tbps (4x96x10), EVNTelecom sở hữu 50 Gbps (trong tương lai có thể nâng cấp lên 450Gbps). Còn về phần hạ tầng mạng 3G, vào thời điểm khai trương, EVN Telecom cũng đã xây dựng được trên 2.000 trạm phát sóng 3G và sử dụng chung băng tần 3G với Hanoi Telecom (đơn vị điều hành mạng Vietnamobile). Viettel và Hanoi Telecom có những thỏa thuận về việc sử dụng chung băng tần 3G này.  EVN Telecom bị khai tử, đau đầu bài toán sáp nhập Nhìn vào hệ thống cơ sở vật chất viễn thông của EVN Telecom, nhiều người đặt ra câu hỏi với bằng ấy công nghệ tại sao EVN Telecom thất bại? Ngoài tư duy chủ quan độc quyền và lựa chọn công nghệ sai, một nguyên nhân khiến EVN Telecom ngày càng suy yếu chính là bộ máy cồng kềnh với nhân sự lúc cao điểm lên tới 13.000 người (năm 2010). Tuy nhiên, đi cùng với bộ máy cồng kềnh, doanh thu và lợi nhuận của EVN Telecom liên tục giảm sút. Nếu như năm 2008, đơn vị này còn đạt doanh thu tới 3.705,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 93,8 tỷ đồng thì năm 2010 doanh thu chỉ còn 2.120,6 tỷ đồng và chuyển qua lỗ 1.057,7 tỷ đồng. Bước qua năm 2011, EVNTelecom mất khả năng thanh toán, mỗi tháng phải treo nợ 176 tỷ đồng. Ngay cả khi sáp nhập với Viettel thì những hệ lụy của EVN Telecom để lại không hề nhỏ. Theo đó, Viettel đã tiếp nhận hơn 12.000 tỷ đồng tài sản, chuyển đổi gần 1 triệu thuê bao từ mạng của EVN Telecom về mạng của Viettel, trả khoản nợ 4.500 tỷ đồng của EVN Telecom, bố trí việc làm cho 1.600 người. Cùng với đó là việc phải giải quyết những hợp đồng cũ của EVN Telecom với nhiều doanh nghiệp xây dựng trước đây. Cụ thể các doanh nghiệp này vay tiền để xây dựng các trạm BTS cho EVN và đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm BTS cho EVN thuê lại. Trong đó, doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư xây dựng trạm BTS bao gồm cột anten, phòng máy BTS, hệ thống điện, tiếp đất chống sét, điều hòa… với chi phí từ 250 - 400 triệu đồng mỗi trạm.
Tiếp quản EVN Telecom, Viettel phải đau đầu với một "núi" vấn đề cần giải quyết.
Tiếp quản EVN Telecom, Viettel phải đau đầu với một "núi" vấn đề cần giải quyết.
Các trạm BTS này đã hoàn thành và được EVN nghiệm thu đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm chuyển giao, EVN vẫn chưa trả tiền xây dựng trạm BTS cho các doanh nghiệp (nhà thầu) và tiền thuê lại trạm BTS của các doanh nghiệp xã hội hóa như hợp đồng đã ký. Trong khi theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ ngày 5/12/2011, thì việc chuyển giao EVN Telecom sang Viettel phải đảm bảo nguyên trạng cơ sở hạ tầng viễn thông, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác. Nhưng hiện nay vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là việc Viettel tiếp nhận bộ máy nhân sự từ EVN Telecom, không ít lãnh đạo và cán bộ trung tầng của EVN Telecom đã không chịu nổi triết lý tồn tại ở Viettel là “nước muốn trong phải chảy”, không chịu nổi việc phải điều chuyển công tác về các tỉnh xa xôi, vốn là điều rất bình thường ở Viettel và họ đã xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Kết quả sau 2 tháng tiếp nhận, có tới gần 50% nhân viên EVN Telecom xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Việc xử lý khối tài sản của EVN để lại cũng là một vấn đề làm đau đầu Viettel, bởi thời điểm đó, tài sản viễn thông của EVN Telecom không có nhiều ý nghĩa với Viettel khi đơn vị này cho rằng dư sức để tiếp nhận toàn bộ khách hàng của EVN Telecom chuyển sang mà vẫn thừa dung lượng. Sau khi tiếp nhận EVN Telecom, Viettel đã tiến hành tháo bỏ mạng CDMA, tháo bỏ mạng 3G mà nhà mạng EVN Telecom đã đầu tư, tháo bỏ hệ thống cung cấp dịch vụ Internet cáp quang của các Tổng công ty Điện lực đầu tư, tháo dỡ hầu hết các cột ăng-ten và nhà trạm do các Tổng công ty Điện lực đầu tư… Việc xử lý khối tài sản này sao cho không lãng phí, đúng quy định của pháp luật đã tốn không ít công sức, thời gian của Viettel. Không phải mọi cuộc kết duyên đều mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc, đặc biệt khi nhìn lại thương vụ sáp nhập EVN Telecom vào Viettel. Tuy cho đến thời điểm này mọi thứ diễn ra được coi là khá thành công. Bằng chứng là năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 doanh thu của Viettel liên tục tăng và vượt xa đối thủ cạnh tranh là VNPT.
Nhùng nhằng chuyện tranh chấp hậu sát nhập EVN Telecom - Viettel

Cách đây vài tháng, liên quan đến việc giải quyết hợp đồng nợ tại EVN Telecom của Viettel với các công ty xã hội hóa xây dựng trạm trạm thu phát sóng (BTS), 8 công ty tư nhân chuyên về xây dựng hạ tầng viễn thông đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và nhiều đơn vị bộ ngành liên quan khác, trong đó “tố” Viettel “đơn phương chấm dứt hợp đồng” và cho rằng có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng và ép các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản sau khi EVN Telecom sáp nhập vào Viettel.
 
Trước cáo buộc này, đại diện của Viettel khẳng định: Việc Viettel đưa ra giải pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng với các đối tác xây dựng của EVN Telecom trước đây chủ yếu vì các doanh nghiệp này không tham gia phối hợp, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không có cơ sở nhằm trì hoãn việc Viettel thu hồi tái sử dụng hiệu quả các thiết bị từ những vị trí nhà trạm cho thuê như trên.

“Những yêu cầu của các doanh nghiệp này vừa không có căn cứ về pháp luật cũng như thỏa thuận giữa các bên liên quan, vừa gây thiệt hại cho nguồn vốn Nhà nước giao Viettel quản lý và khai thác”, vị đại diện Viettel nhấn mạnh.

Theo đó, có thể tập đoàn này sẽ đưa các vấn đề tranh chấp với một số đối tác liên quan đến Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom) ra giải quyết tại tòa án.
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Hoàng Lực