(GDVN) - Làm thế nào để học sinh, sinh viên Việt Nam có thể dành được học bổng và sống tốt ở đất nước mặt trời mọc? Chia sẻ của bạn Trần Thị Cẩm Vân, người từng ba lần thành công các khóa học bổng tại Nhật Bản sẽ giúp giải đáp những thắc mắc này.
{iarelatednews articleid='6668,5351,5352,5355,5559,5458,5350,5291,4075'}
Có nên học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Nhật?
Điều gì trong hồ sơ xin học bổng sẽ tạo được ấn tượng với Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH Nhật Bản?
Bên cạnh việc thỏa mãn các yêu cầu về học lực, điểm topj/kyu mà các trường đòi hỏi thì cá nhân mình nghĩ, bài luận sẽ là yếu tố giúp bạn trở lên khác biệt hơn.
Điều mà các trường ĐH của Nhật quan tâm là bạn sẽ làm gì và làm được gì trên đất nước của họ. Chính vì vậy, bạn nên trình bày mục tiêu và kế hoạch học tập, nghiên cứu thật rõ ràng.
Thành tích ở các hoạt động ngoại khóa đối với các trường ĐH Nhật Bản cũng có vẻ ít quan trọng hơn so với khi apply học bổng của Anh, Mỹ hay Australia…
Có nên đầu tư học thêm một ngoại ngữ khác (như tiếng Anh chẳng hạn) trước khi sang Nhật không?
Nếu bạn tự tin khả năng tiếng Nhật của mình đã đủ tốt thì có thể học thêm tiếng Anh. Còn nếu ngược lại thì nên tập trung rèn rũa tiếng Nhật thật thành thạo. Ở Nhật, từ người dân tới học sinh, sinh viên và người đi làm đều không sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Cá nhân mình nghĩ, sống ở đâu nên sử dụng ngôn ngữ thông dụng ở đó.
Tuy nhiên, các trường ĐH của Nhật thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa với sự tham gia của đông đảo sinh viên Quốc tế. Vì thế, hãy cố gắng để có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh.
Bạn có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc học tiếng Nhật của bản thân?
Hãy học ngoại ngữ như một đứa trẻ! Ngoài ra, cá nhân mỗi người nên đặt ra câu hỏi: Bản thân muốn học tiếng Nhật (hoặc tiếng Anh) để làm gì? Khi đã nắm biết được mục tiêu của bản thân, mình tin mỗi người sẽ có động lực mạnh mẽ hơn cho việc học tiếng.
Với các chương trình trao đổi văn hóa hoặc khóa học ngắn hạn tại Nhật Bản, sinh viên có được phép chuyển điểm về trường ĐH trong nước không?
Cái này tùy thuộc vào quy định của từng trường. Sinh viên Việt Nam nói chung là gặp nhiều bất lợi hơn so với sinh viên các nước châu Á khác do quy chế đào tạo của chúng ta hơi bó buộc.
Vì vậy, các bạn nên tìm hiểu trước quy định của các trường và cố gắng đăng ký những môn học gần với những môn mà các trường ĐH Việt Nam có (để dễ bề chuyển điểm nếu có thể sau này).
Mình cũng muốn nói thêm là việc thi cử ở Nhật khá vất vả nên các bạn không nên ôm đồm đăng ký quá nhiều môn. Bản thân mình cũng vì tham lam mà bị hai điểm không (0) trong bảng điểm du học.
Trần Thị Cẩm Vân |
Từng theo học tại ba trường ĐH của Nhật là Senshuu, Nữ Fukuoka và Beppu, điều gì trong phong cách giáo dục của người Nhật khiến bạn ấn tượng nhất?
Các thầy cô nói riêng và trường ĐH ở Nhật nói chung rất quan tâm tới sinh viên. Sau mỗi giờ học, sinh viên sẽ được phát những bản tóm tắt nội dung môn học, kết thúc môn học là bảng nhận xét/đánh giá giáo viên. Họ thường xuyên hỏi sinh viên quốc tế có điều gì thắc mắc hoặc cần làm rõ hơn không…
Điều này giúp sinh viên nắm bắt thông tin đầy đủ và chính xác, bởi không phải du học sinh nào cũng có trình độ tiếng Nhật đủ để hiểu rõ tất cả bài học. Ngoài ra, sinh viên trong và ngoài nước đều được phép tham dự các lớp học dự thính, tức là những lớp học mà họ không đăng ký nhưng cảm thấy hứng thú, muốn nghe/ tìm hiểu. Các thầy cô rất thoải mái trong vấn đề này.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản |
Sống khỏe ở đất nước mặt trời mọc
Khó khăn lớn nhất mà du học sinh mới sang Nhật có thể gặp phải là gì?
Đó là việc tìm phòng trọ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Một phòng trọ rộng chừng 10m2 ở Nhật cũng có thể lên tới gần 6 triệu đồng/tháng. Và mặc dù các trường đều có ký túc xá cho sinh viên nhưng vẫn có tới 70% du học sinh phải thuê trọ bên ngoài.
Lời khuyên của mình là nếu bạn có visa du học, hãy đăng ký sớm với văn phòng nhà trường hoặc các trung tâm hỗ trợ sinh viên trong nước, Quốc tế để có một chỗ ở trong ký túc xá của trường theo học. Trường hợp bất khả kháng, bạn có thể xem xét tới việc thuê phòng trọ ở vùng ngoại ô. Chịu khó đi xa một chút sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.
Kinh nghiệm của bạn trong việc tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở một đất nước đắt đỏ như Nhật Bản?
Điều này mình cũng không biết nên nói thế nào bởi nó phụ thuộc vào mức chi tiêu của từng cá nhân. Thực tế là với số tiền học bổng mà các trường ĐH Nhật Bản cấp, bạn hoàn toàn có thể sống tốt. Thậm chí, không ít du học sinh còn tiết kiệm được tiền mang về.
Ngoài ra, du học sinh cũng có thể tiết kiệm tiền bằng nhiều cách như đi mua sắm tại những khu vực giảm giá (như Harajuku ở Tokyo chẳng hạn), vào ngày giảm giá (ví dụ ở thành phố Fukuoka là thứ 3 hằng tuần), giờ giảm giá (thường là sau 21h), đi du lịch vào các ngày trong tuần thay vì cuối tuần/ngày lễ sẽ giúp tiết kiệm chi phí, xem phim ban ngày bao giờ cũng rẻ hơn buổi tối, photo sách/báo thay vì mua mới, tận dụng các dịch vụ giao thông và y tế công cộng…
Sơn Tùng (ghi)