Theo lịch trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), dự án Luật Trưng cầu ý dân, Luật An toàn thông tin, Luật Khí tượng thủy văn, Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Cùng với đó đó, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết. Đáng chú ý trong sáng ngày 25/6, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành).
Dự án thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận
Gần 1 năm qua, Dự án xây dựng sân bay Long Thành luôn là đề tài bàn luận sôi động của giới chuyên gia, người trong ngành hàng không và dư luận.
Trên nghị trường, liên tiếp trong hai kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội Khóa 13, dự án sân bay Long Thành được đưa ra thảo luận. Xen giữa hai kỳ họp, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tháng 2/2015 cũng bàn đến dự án này.
Trước đó, ngày 29/10/2014, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đọc trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội. Ngay khi người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải đọc tờ trình trước Quốc hội, nhiều Đại biểu đã đưa ra ý kiến lo ngại về nguồn kinh phí lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nợ công của Việt Nam hiện đang chạm ngưỡng mất an toàn.
Phối cảnh Dự án sân bay Long Thành (ảnh Cục Hàng không). |
Cụ thể, tại kỳ họp đó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, dự án sân bay Long Thành cần thiết nhưng chưa cấp bách.
“Nhiều chuyên gia hàng không nhận định, về lâu dài cần có sân bay khác thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, đó là trong ít nhất 20 năm tới. Với điều kiện kinh tế, khả năng huy động vốn hiện nay, việc xây dựng sân bay Long Thành là chưa cần thiết và thiếu thuyết phục.
Theo quan điểm của tôi, dự án này tương lai sẽ phải làm, nhưng cần lùi lại đến khi nền kinh tế của chúng ta khá hơn, tăng trưởng bền vững hơn, tích lũy tốt hơn, nợ công an toàn hơn. Lúc đó chúng ta làm sân bay Long Thành cũng chưa muộn”, ông Lê Như Tiến nói.
Tương tự, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP.HCM) chỉ rõ, việc Bộ GTVT đưa ra các con số ở giai đoạn 1 là 25 triệu khách, giai đoạn 2 đạt 50 triệu khách và giai đoạn 3 là 100 triệu khách, nhằm cạnh tranh với 3 sân bay của Thái Lan, Singapore và Malaysia, nghe qua thì tưởng là đúng, nhưng phân tích kỹ thì sẽ thấy nhiều điểm chưa rõ.
“Nếu so sánh với Thái Lan, Malaysia, Singapore về kinh tế nội lực và thương mại xuất nhập khẩu thì chúng ta đều thua xa”, ông Thiện nhấn mạnh.
Trong khi đó chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, lượng khách thu hút đến với sân bay Long Thành là dự báo “trên trời”, đề nghị phải cân nhắc hết sức cẩn trọng tính khả thi và hiệu quả dự án (trong đó bao gồm cả nợ công).
Dự án sân bay Long Thành sẽ được Đại biểu Quốc hội biểu quyết "cho chủ trương" đầu tư xây dựng (ảnh minh họa). |
Kết thúc Kỳ họp thứ 8, trước nhiều vấn đề Đại biểu còn băn khoăn, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Bước sang Kỳ họp thứ 9, dự án sân bay Long Thành một lần nữa được đưa ra bàn luận.
Khác với kỳ họp trước, sau khi Chính phủ tiếp thu ý kiến Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện dự án. Sau thời gian tính toán, Bộ Giao thông vận tải đưa ra điều chỉnh mức mới về đầu tư và diện tích dự án.
Cụ thể, vốn đầu tư dự án sẽ giảm khoảng 2,9 tỷ USD (từ 18,7 tỉ USD xuống còn 15,8 tỉ USD). Con số giảm được Bộ Giao thông vận tải lý giải là do rà soát và tính toán chi tiết hơn, điều chỉnh giảm quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, giảm các hạng mục do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh trong giai đoạn I, không đưa vào dự án các hạng mục triển khai theo phương án xã hội hóa...
Trước những điều chỉnh được Bộ Giao thông vận tải trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, hầu hết ý kiến đại biểu đồng thuật cho rằng, dự án sân bay Long Thành là cần thiết.
Tuy nhiên để đảm bảo dự án hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần có cơ quan thẩm định độc lập về dự án để dự án đạt hiệu quả tốt nhất.
"Gập ghềnh" trước giờ biểu quyết
Dù được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng hay không, dự án sân bay Long Thành vẫn nằm trong số ít dự án “gập ghềnh” nhất từ khi ra đời đến nay.
Theo báo cáo tiền khả thi, dự án sân bay Long Thành trong giai đoạn I (từ nay đến năm 2025) sẽ được xây dựng hai đường cất hạ cánh, nhà ga trung tâm 2 cánh để có thể đón 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm với dự toán kinh phí trên 7,8 tỷ USD, tương đương khoảng 164.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian đưa vào sử dụng nhằm giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giảm áp lực về huy động vốn, một đường cất hạ cánh và một nhánh nhà ga sẽ được xây dựng và khai thác sớm (giai đoạn 1a) vào khoảng năm 2023 với kinh phí 5,66 tỷ USD – tương đương khoảng 119.000 tỷ đồng. Khi đó, nhu cầu sử dụng đất trước mắt cũng chỉ cần 2.500 ha thay vì phải giải phóng cùng lúc 5.000 ha.
Tác giả dự được đưa ra kết quả phân tích cho thấy tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) 22,1%.
Về phương án huy động vốn, trong số 164.000 tỷ đồng cần cho giai đoạn I thì vốn Nhà nước (gồm ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA) dự kiến bỏ ra 84.600 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1a khoảng 57.800 tỷ đồng (tương đương 48,6%).
Còn lại gần 80.000 tỷ sẽ huy động từ nguồn của doanh nghiệp thông qua cổ phần hóa, liên doanh liên kết, hợp tác công tư. Trước mắt ở giai đoạn 1a, con số ngoài ngân sách cần huy động là trên 61.000 tỷ đồng (chiếm 51,3%)…
Ban đầu, Bộ Giao thông vận tải xin Chính phủ được trình bày dự án ngay tại kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 4/2014 tuy nhiên Chính phủ đã trả lại và yêu cầu tiếp thu để sửa dự án.
Sau đó Dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước biểu quyết thông qua với 15/16 phiếu đồng ý. Với kết quả đó, Hội đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên tại Kỳ họp thứ 8, trước ý kiến băn khoăn về dự án như vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế… Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu bổ sung dự án để trình kỳ họp sau.
Đến Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, dự án sân bay Long Thành sẽ được tiến hành biểu quyết Quốc hội biểu quyết về chủ trương đầu tư vào ngày 25/6 sau cuộc thảo luận tại hội trường về đầu tư xây dựng dự án này ngày 4/6/2015 vừa qua.
Hội HASCON kiến nghị Quốc hội "chưa nên thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành" Ngay trước thời điểm Quốc hội tiến hành biểu quyết cho chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON (Hội tư vấn HASCON) tiếp tục gửi kiến nghị lên Quốc hội đề nghị chưa thông qua Chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, và yêu cầu Chủ đầu tư làm lại “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”. “Hội HASCON chính thức kiến nghị Quốc hội chưa vội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Kiến nghị Quốc hội yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm lại “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành”, trình Quốc hội vào các kỳ họp sau” - trích văn bản Hội Tư vấn HASCON. |