Sau khi Công ty Acecook VN gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh khiếu nại mẩu quảng cáo của Công ty Masan đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng mì ăn liền, ngày 28/6 Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu phía Masan chỉnh sửa từ ngữ trong quảng cáo, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
>> Acecook khiếu nại quảng cáo mì gói Tiến Vua gây nhầm lẫn
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cũng như nhiều email của bạn đọc đều cho rằng cần phải nghiêm khắc đối với các hành vi quảng cáo lập lờ.
Chưa đủ sức răn đe
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho hay Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là nơi cấp phép cho quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua. Đối chiếu với các quy định pháp lý hiện có, quảng cáo này không vi phạm quy định.
Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu quảng cáo không được gây hiểu nhầm, nên cục đã làm việc với hai doanh nghiệp có khiếu nại là Acecook và Masan, trước mắt yêu cầu phía Masan chỉnh sửa một số từ ngữ trong quảng cáo, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm cùng ngành hàng.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu Công ty Masan |
Ông Phong cũng cho hay gần đây có nhiều mẩu quảng cáo nhạy cảm bị yêu cầu chỉnh sửa do gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Chủ yếu trong đó là hành vi sử dụng thành phần (có tỉ lệ cực nhỏ trong sản phẩm) để đặt tên cho cả sản phẩm, hoặc dùng ký hiệu để ghi thành phần nguyên liệu khiến nhiều sản phẩm chứa siêu bột ngọt lại được quảng cáo là không bột ngọt, hoặc sản phẩm có tên là xương, thịt, cá nhưng thực chất thịt, cá chỉ chiếm 1-2%.
Ông Phong cho hay theo quy định hiện hành, các quảng cáo quá mức và vi phạm các quy định bị xử phạt 5-10 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe.
Cần nghiêm khắc với tình trạng lập lờ
Theo bác sĩ Trần Văn Ký - ủy viên BCH Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nếu phân tích nhiều mẩu quảng cáo đang lưu hành trên thị trường hiện nay sẽ rất khó bắt lỗi bởi các câu chữ khá chừng mực và không đụng chạm hay đề cập đến đối thủ.
“Tuy nhiên, một cách tổng quát nội dung hàm ý của mẩu quảng cáo lại gây cho người xem một sự hiểu nhầm nào đó” - bác sĩ Ký nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo bác sĩ Ký, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc với những mẩu quảng cáo lập lờ hoặc nửa vời khiến người tiêu dùng ngộ nhận. “Chẳng hạn trong mẩu quảng cáo mì Tiến Vua sẽ rõ ràng hơn nếu trong câu giải thích của chuyên gia sản phẩm nhuộm cái gì trong câu “nếu nước chuyển sang vàng đục chứng tỏ sợi mì có nhuộm”, bác sĩ Ký cho hay. Bởi màu vàng đục chưa chắc là màu hóa chất, phẩm màu của một số sản phẩm có được từ nước rau quả như cà chua, cà rốt...
Trong chế biến công nghệ thực phẩm, các nhà sản xuất thường dùng phẩm màu tự nhiên như màu vàng của nghệ, màu đỏ của hạt điều, hạt gấc... để tăng sức hấp dẫn về mặt thị giác cho sản phẩm. Tuy nhiên, những phẩm màu từ tự nhiên thường dễ biến đổi trong quá trình xử lý nhiệt, chế biến nên nhiều doanh nghiệp dùng phẩm màu công nghiệp. Liều lượng phẩm màu công nghiệp được Bộ Y tế quy định ở một mức rất nhỏ.
Nếu sản phẩm sử dụng màu vô cơ (màu chiết xuất từ tự nhiên) thì không gây hại cho sức khỏe. Trong trường hợp sử dụng phẩm màu độc hại vào sản phẩm đi nữa, thì những phẩm màu độc hại (được hiểu là phẩm màu hóa học) rất khó thôi nhiễm trong nước.
Theo bác sĩ Ký, người tiêu dùng không khó để nhận biết sản phẩm nhuộm màu công nghiệp bằng cách cho sản phẩm vào nước đun sôi, màu cũng không tan ra trong nước, trong khi màu hữu cơ thì nước sẽ chuyển màu.
Việc xác nhận màu có độc hại hay không phải dùng các kỹ thuật chuyên môn mới biết, nếu nhìn bằng mắt thường thì không có cơ sở nào để kết luận màu độc hại.
Theo Tuổi trẻ