Sau 3-5 ngày, sẽ công bố giá trị dinh dưỡng của sản phẩm Danlait

21/02/2013 20:09
Hoàng Lực
(GDVN) - Ngay khi phát hiện Công ty Mạnh Cầm có dấu hiệu sai phạm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và thu giữ gần 300 thùng với trên 6.000 lon sản phẩm Danlait. Theo ông Kiều Đình Cảnh - Phó đội trưởng đội QLTT số 12 - sau 3 đến 5 ngày sẽ có kết luận giám định chất lượng hàm lượng đạm của các lon Danlait.
Sau khi có thông tin phản ánh của NTD về những nghi ngờ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa dê nhãn hiệu Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu phân phối, chiều ngày 21/2/2013 đội Quản lý thị trường số 12, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty Mạnh Cầm.
Cơ quan Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các sản phẩm sữa dê tại trụ sở Công ty TNHH Mạnh Cầm.
Cơ quan Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các sản phẩm sữa dê tại trụ sở Công ty TNHH Mạnh Cầm.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hện và làm rõ hơn các sai phạm của Công ty Mạnh Cầm đối với sản phẩm Danlait. Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau quá trình kiểm tra, ông Kiều Đình Cảnh - Phó đội trưởng đội QLTT số 12 cho biết, về cơ bản Công ty Mạnh Cầm mắc 2 sai phạm lớn. Thứ nhất là, tên hàng hóa ghi trên nhãn phụ của sản phẩm Danlait là sữa dê còn trên giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm lại ghi là "thực phẩm bổ sung sữa dê", như vậy rõ ràng có sự sai lệch về tên hàng hóa. Sai phạm thứ hai, theo quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thì sữa phải có hàm lượng đạm 34%, nhưng so với bảng công bố hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm này thì hàm lượng đạm dưới mức tiêu chuẩn, cụ thể rơi vào khoảng từ 11-20%, vì thế chỉ có thể gọi sản phẩm Danlait là thực phẩm bổ sung. Qua đó cho thấy Công ty Mạnh Cầm đã cố tình gây lẫn lộn giữa sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung để “đánh lừa” người tiêu dùng. Điều khó hiểu hơn cả là dù cho hàm lượng đạm của sản phẩm Danlait ở dưới chuẩn nhưng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn cấp phép cho loại thực phẩm bổ sung này. Về vấn đề này theo ông Kiều Đình Cảnh,  việc Cục VSATTP cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là dựa trên bảng công bố của doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý thị trường theo ông Cảnh, do chỉ có thể hậu kiểm sản phẩm sau khi có đề nghị của doanh nghiệp hoặc thông tin phản ánh của người tiêu dùng và cơ quan báo chí nên hầu hết đã là chuyện xảy ra rồi, việc khắc phục rất khó khăn. Cũng theo ông Kiều Đình Cảnh, trước mắt với hai vi phạm như vậy theo quy định của pháp luật, đơn vị quản lý thị trường sẽ tịch thu toàn bộ sản phẩm và mang đi giám định chất lượng có đúng như công bố trên bao bì sản phẩm. “Về cơ bản sẽ giám định hai thông số là độ đạm và dịch các sản phẩm đó xem nhãn chính và nhãn phụ có đúng không, sau khi có kết luận cụ thể mới tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khoảng 3-5 ngày sẽ có kết quả chính thức của những kết luận trên” – ông Kiều Đình Cảnh cho biết. Về vấn đề chênh lệch giá, qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện giá nhập và giá bán sản phẩm Danlait chênh lệch gấp 4-5 lần. Cụ thể giá nhập của các sản phẩm Danlait sẽ dao động trên dưới 4 EURO (khoảng gần 120.000 đồng/hộp 400gr) nhưng giá bán ra trên thực tế là 350.000 đồng/hộp. Còn giá bán trên 400.000 đồng/hộp là do đại lý đưa ra.
Theo ông Kiều Đình Cảnh, sau 5 ngày nữa sẽ có kết luận chính thức về giá trị hàm lượng dinh dưỡng các sản phẩm Danlait
Theo ông Kiều Đình Cảnh, sau 5 ngày nữa sẽ có kết luận chính thức về giá trị hàm lượng dinh dưỡng các sản phẩm Danlait
Vì vậy theo ông Cảnh trước hết đến thời điểm này có thể khẳng định Công ty Mạnh Cầm có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, phía cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sai phạm là qua thông tin từ người tiêu dùng và báo chí. Việc người tiêu dùng có khởi kiện đòi đền bù thiệt hại hay không sẽ tùy theo mức độ vi phạm của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật. Ông Kiều Đình Cảnh cũng cho biết qua vụ việc, chắc chắn các tổ, đội quản lý thị trường các khu vực sẽ có đề nghị đến Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Cục quản lý thị trường để tiến hành ra soát những dấu hiệu vi phạm như Công ty Mạnh Cầm.

* Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc...

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực