Tính mạng cả ngàn dân tái định cư đang bị treo trên thang máy hỏng

11/07/2014 07:05
Xuân Hoàng - Minh Độ
(GDVN) - Thường xuyên hỏng thang máy và nhiều cơ sở hạ tầng xuống cấp không được sửa. Đó là thực trạng chung của 18 tòa nhà thuộc khu vực tái định cư Nam Trung Yên.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, mỗi khi người dân phản ánh thì các cơ quan, ban ngành chức năng cũng chỉ biết nói rằng: “chúng tôi sẽ sớm sửa chữa”. Thế nhưng khi nào sửa? Câu hỏi này cho đến nay chưa có ai trả lời được.

Đồng loạt xuống cấp

Khu đô thị Nam Trung Yên gồm 18 tòa nhà. Khu nhà B3 và B11 được sử dụng từ năm 2006 xem như là lâu đời nhất. Tòa nhà mới được sử dụng gần đây nhất là B10A thì cũng từ năm 2012, tuy nhiên hầu hết các tòa nhà này đều xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống thang máy.

Theo ông Đặng Văn Cẩn – người dân ở tòa nhà B10A cho biết, tình trạng hỏng thang máy của tòa nhà đã diễn ra nhiều tháng nay. Thang máy thường xuyên có dấu hiệu tụt tầng (có nghĩa là đang ở tầng cao đột ngột tụt xuống một tầng bất kỳ nào đó).

18 tòa nhà các thang máy đều hỏng, cái chạy cái không, chạy tậm tịt, hoặc không liên thông với nhau...
18 tòa nhà các thang máy đều hỏng, cái chạy cái không, chạy tậm tịt, hoặc không liên thông với nhau...

Ngoài ra, vấn đề kẹt thang máy cũng thường xuyên xảy ra, kể cả khi có điện hay đột ngột mất điện. Bản thân ông Cẩn cũng từng bị kẹt thang máy vào hồi năm ngoái. “Lúc ấy tôi đang từ tầng 7 lên tầng 14 thì mất điện, bỗng tối om, tôi buộc phải bấm chuông báo hiệu, một lúc sau bảo vệ mới đem đồ nghề đến để cứu tôi ra”, ông Cẩn sợ hãi nhớ lại.

Các tòa nhà B10B, B11B...cũng có tình trạng tương tự như vậy. Tại tòa nhà B10B ông Phí Văn Cường – Tổ trưởng khu phố cho biết, cả tòa nhà chỉ có 2 cửa thang máy thì hỏng mất một cửa, gần một tháng nay vào giờ cao điểm đa phần người lớn đều phải đi cầu thang bộ để nhường cho trẻ nhỏ và người già.

Nền nhà để xe theo nguyên lý phải lát bằng gạch thì họ lại láng bằng bê tông mỏng nên mới sử dụng đã bong tróc.
Nền nhà để xe theo nguyên lý phải lát bằng gạch thì họ lại láng bằng bê tông mỏng nên mới sử dụng đã bong tróc.

Mỗi khi điện lưới mất thì thang máy bị kẹt, trong khi đó tòa nhà có  hệ thống máy phát điện dự phòng thì nhiều năm nay không hoạt động được. Nền nhà để xe theo nguyên lý phải lát bằng gạch thì họ lại láng bằng bê tông mỏng nên mới sử dụng đã bong tróc lởm chởm.

Máy phát điện nhiều năm qua không hoạt động được
Máy phát điện nhiều năm qua không hoạt động được

Theo bà Nông Thị Yến –Tổ trưởng tòa nhà B11B, tòa nhà này là xuống cấp hơn cả. Bảng điện tử thang máy thì ọp ẹp, bong tróc, thang máy cái có quạt cái không, thi thoảng lại dừng không chịu chạy. Hệ thống thang máy không đồng bộ và hư hỏng liên tục. Hệ thống cứu hỏa không đảm bảo, hiện tại có 4 hệ thống cứu hỏa đã bị hỏng không còn hoạt động được.

Chưa có tiền chưa sửa

Lý giải về vấn đề thang máy hỏng, bà Phạm Thị Vượng – Tổ trưởng tòa nhà B10A cho biết, cửa thang máy bị hỏng gần đây nhất là ngày 7/6/2014. Nguyên nhân là do cháy bo mạch và vỡ vòng bi.

Cũng giống như 17 tòa nhà khác có kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng để được bảo trì, thì bà Phạm Thị Yến – Tổ trưởng Tổ khu phố  tòa nhà B11B còn có tới 5 lần gửi đơn kiến nghị. Lần đầu tiên bà gửi lên Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội nhưng họ không sửa, sau đó bà kiến nghị lên UBND phường họ mới cho người về sửa, nhưng rồi lại hỏng.

Vì diện tích chung bị lấn chiếm nên người dân khu B10A phải để xe máy trên vỉa hè ngoài trời

Vì diện tích chung bị lấn chiếm nên người dân khu B10A phải để xe máy trên vỉa hè ngoài trời

Gần đây bà Yến liên tục kiến nghị, họ không cho người về sửa, thế là bà gửi đơn lên Sở Kế hoạch Đầu tư. Thế nhưng câu trả lời bà Yến nhận được là, rất nhiều các tòa nhà khác cũng đang bị hỏng hóc. Do đó việc bảo trì phải ưu tiên cho những tòa nhà hỏng trước thuộc khu vực Nam Trung Yên. “Chúng tôi kiến nghị rất nhiều nhưng họ bảo không có tiền...” bà Yến mệt mỏi nói.

Tổng kiểm tra thang máy các khu tái định cư là yêu cầu mà thành phố Hà Nội gửi các quận, huyện, thị xã. Nội dung là rà soát tất cả các tòa chung cư trên địa bàn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm trong việc chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, người quản lý, sử dụng nhà chung cư thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư. Báo cáo gửi về thành phố trước ngày 20/7.

Không chỉ chuyện nhà cửa xuống cấp, nhiều tòa nhà còn có dấu hiệu bị lấn chiếm diện tích tầng 1 rất nghiêm trọng. Tất cả đều được dùng để cho thuê mở quán, mở công ty... Đặc biệt, tòa nhà B10A, diện tích tầng 1 đã được cho thuê để mở quán phở. Chính việc này đã làm thu hẹp diện tích để xe của người dân, gây ra bức bối và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Theo người dân, quy định của khu chung cư toàn bộ tầng một làm nhà công động làm nơi để xe cho các hộ vì không có tầng hầm. Do vậy người dân yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo cho các cơ quan chức năng trả lại diện tích cho bà con làm nhà cộng đồng theo quy định của khu chưng cư.

Khu đô thị Nam Trung Yên là khu tái định cư của Hà Nội có quy mô 56ha, 18 khu nhà, cung cấp chỗ ở cho hàng vạn người. Trước đây khu tái định cư do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý. 

Ngày 9/1/2013, UBND thành phố có Quyết định số 150/QĐ-UBND, giao Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận quản lý, vận hành.

Tháng trước, tại nhà N5A khu Trung Hòa-Nhân Chính do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vận hành đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy khiến một bảo bảo vệ chết thảm. Khu N5A cũng là khu tái định cư nên điều này, hiện đang gây lo lắng rất lớn cho hàng ngàn hộ dân ở khu Nam Trung Yên đang phải sử dụng cả chục chiếc thang máy liên tục hỏng hóc, thiếu ổn định, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mất mạng rất cao.

Xuân Hoàng - Minh Độ