Ông Vũ Quốc Hùng: Các Bộ trưởng cũng thừa biết dân yêu mình bao nhiêu!

12/11/2014 07:16
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Trước nhiều ý kiến lo ngại về tính chính xác của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng đã lên tiếng.

Ngày 15/11 tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội hoặc HĐND bầu và phê chuẩn.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về tính chính xác của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về vấn đề này.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp chiều 10/11, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định, chống tham nhũng như tập trận giả hiện nay sẽ rất khó cho các Đại biểu Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm chính xác với từng Bộ trưởng. Ông có thấy vậy không?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

Việc lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết bởi những người có vai trò quyết định trong việc phát triển đất nước như thế cần phải được đánh giá, nhận xét. Đây cũng là cách để những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình mà phấn đấu để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tôi nghĩ để đánh giá mức độ tín nhiệm chính xác với từng Bộ trưởng, các đại biểu phải sát dân, gần dân để lắng nghe ý kiến, nhận xét của nhân dân. Quan trọng nhất là các đại biểu quốc hội phải hết sức có trách nhiệm, bình tĩnh, sáng suốt, trung thực, khách quan, không để bản thân chịu sức ép nào và phải nghiên cứu kỹ để có đánh giá đúng đắn, không cảm tính, không cảm tình về những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ông làm thế nào để tránh tính hình thức, cảm tính trong việc lấy phiếu tín nhiệm?

Tôi tin rằng hầu hết các đại biểu quốc hội đều biết rất rõ về những người mà mình sẽ đánh giá. Vấn đề chỉ ở chỗ họ có khách quan, trung thực, có trách nhiệm với nhân dân, với cả những người mà họ sẽ bỏ phiếu đánh giá hay không mà thôi.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm không mang tính hình thức, cảm tính, các đại biểu quốc hội trước khi đánh giá một ai đó hãy nghĩ xem mình nên làm thế nào để được nhân dân yêu mến và bản thân sau này không cảm thấy khổ tâm, hối hận vì những gì đã làm.

Chính đánh giá chính xác của đại biểu quốc hội sẽ giúp chọn ra vị lãnh đạo xứng đáng, giúp việc điều hành đất nước ngày một tốt hơn. Vì vậy, đại biểu cần hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.

Không giống lần đầu (tháng 6/2013), lần này QH lấy phiếu tín nhiệm trong một phiên họp kín, sáng thứ bảy, 15/11. Kết quả sẽ được công bố ngay buổi chiều. Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì tới tính công khai, minh bạch của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như tâm lý của các đại biểu quốc hội không thưa ông?

Ngày 15/11 tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội hoặc HĐND bầu và phê chuẩn.
Ngày 15/11 tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội hoặc HĐND bầu và phê chuẩn.

Với xu thế dân chủ, công khai và sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta sẽ có nhiều cách để tiếp cận nhiều luồng thông tin. Do vậy, theo tôi chúng ta không nên quá nặng nề việc lấy phiếu tín nhiệm theo hình thức nào.

Quan trọng nhất là kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai, minh bạch ra sao và các đánh giá của đại biểu có chính xác hay không. Phiên họp kín chỉ là một “kỹ thuật” thôi và tôi tin là Quốc hội đã cân nhắc kỹ về việc này.

Một khi Quốc hội đã đưa ra quy trình chặt chẽ thì người dân cứ yên tâm rằng những người bấy lâu nay hết lòng vì nước vì dân sẽ được đánh giá đúng, còn những kẻ không hết lòng, hết sức, có trách nhiệm với dân cũng dần lộ diện.

Theo ông, người dân phải làm gì để đánh giá được tính công khai, minh bạch của việc lấy phiếu tín nhiệm?

Về tính chính xác của việc kiểm phiếu, tôi nghĩ không đáng lo. Người dân có thể biết được việc này qua nhận xét, đánh giá của từng đại biểu quốc hội.

Thêm vào đó, việc lấy phiếu tín nhiệm phải có quy trình chặt chẽ. Chẳng hạn, trước hết phải công khai cho người dân biết thông tin của các ứng cử viên chứ không phải bí mật đưa ai đó lên rồi bắt mọi người bầu chọn. Ở nước ngoài, họ phải công khai từ thu nhập, tài sản tới lý lịch gia đình…để người dân biết.

Ông có cho rằng đây chính là dịp để các lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm thấp xin từ chức hay không?

Đúng vậy. Đó cũng là dịp tốt để những vị lãnh đạo nếu thấy mình không còn nhận được sự tín nhiệm của nhân dân nữa, có số phiếu tín nhiệm chưa nhiều thì phải cố gắng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm hoặc xin từ chức.

Ngoài hình thức lấy phiếu tín nhiệm, với những chức danh lãnh đạo cấp cao, chúng ta có nên thi tuyển hay lựa chọn theo cách nào khác không?

Sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, nếu thấy còn điểm hạn chế ta sẽ thảo luận sau. Điều người dân mong mỏi nhất bây giờ là các đại biểu quốc hội hãy làm hết trách nhiệm của họ, cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ phiếu với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan. Nếu không thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ việc lấy phiếu tín nhiệm thì đó sẽ là hạn chế lớn nhất của hình thức này.

Tới đây, việc chọn cán bộ cho Đảng, Nhà nước phải có một quy trình luôn luôn được đổi mới. Để dân chủ, công khai, có lẽ chúng ta cũng cần tổ chức thi tuyển hoặc có thể tuyển chọn cán bộ mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí cũng nên để cán bộ tranh cử tức là có vài ba người để chọn ra một người ngay cả với các chức danh như Tổng Bí thư hay Bộ trưởng…

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN