Theo Cục Y tế Dự phòng, so với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp mắc bệnh trên cả nước giảm 25%, số trường hợp nhập viện giảm 20%.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số bệnh nhân mắc tích lũy tăng cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh...
Đáng chú ý, số ca bệnh tại khu vực phía Nam tăng đột biến 50% trong 2 tháng vừa qua so với các tháng trước đó.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tuần có hơn 300 ca nhập viện, các biệt có tuần lên đến gần 300.
Tại Đồng Nai từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, 90% là trẻ dưới 3 tuổi.
Bệnh chân tay miệng lây lan mạnh thời gian qua, nhất là tại các trường học. ảnh: TTXVN. |
Các cơ quan chuyên môn y tế nhận định dịch gia tăng trong thời gian qua do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới, đồng thời bệnh cũng chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để hạn chế thấp nhất số trẻ mắc và tử vong, không để dịch bùng phát kéo dài, Bộ Y tế đề nghị tất cả các địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, tập trung tại vùng có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch; tuyên truyền người dân thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch.
Bệnh tay chân miệng có những đặc điểm sau: Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước. |
Sở Y tế các tỉnh cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Các bệnh viện cũng được yêu cầu tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong.
Cần thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt giữa tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp...
Các trường học cần bảo đảm có xà phòng rửa tay, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày của trẻ.
Những trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu - Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội nói trên tờ Sức khỏe đời sống: Thời điểm đông xuân thời điểm chuyển mùa, ở các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, số trẻ mắc bệnh rất cao. Do vi khuẩn virus luôn tồn tại trong môi trường, trong cơ thể chúng ta nhưng không gây bệnh.
Chính thời điểm chuyển mùa, những vi khuẩn, virus tồn tại sẵn ấy, đang từ thể không hoạt động sang thể hoạt động. Cứ thay đổi thời tiết, từ mưa sang nóng, hoặc nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, trẻ ngủ dậy thường hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi. Trẻ em, người già miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm vi khuẩn, virus.
Trẻ đi học trong môi trường chật hẹp nên dễ nhiễm khuẩn, lây bệnh. Các bệnh thường mắc trong mùa đông xuân là bệnh đường hô hấp; bệnh dị ứng... trong đó có chân tay miệng.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Biểu hiện của bệnh gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Song ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Virut gây bệnh tay chân miệng do virut EV71 gây nên, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, nên hậu quả rất nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn.
Đường lây chính của bệnh là do trong nhà trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm làm lây bệnh, hoặc do trẻ ăn phải thực phẩm chứa nguồn bệnh.