Ngày 17/3/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin về 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Phú Bình, Thái Nguyên), phải nhập viện cấp cứu, nghi bị ngộ độc sau khi uống sữa đậu nành Fami Kid Vinasoy tại trường.
Cho đến thời điểm hiện nay, tức là sau hơn 1 tháng xảy ra sự việc trên, các phụ huynh cho biết phía Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy chưa hề có lời thăm hỏi đến các cháu học sinh.
29 học sinh tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (Phú Bình, Thái Nguyên) phải nhập viện cấp cứu hôm 15/3/2019. Ảnh Bệnh viện Phú Bình cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Tiến Sinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Phú Bình, Thái Nguyên, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc 29 cháu bị nhập viện với triệu chứng ngộ độc, mãi gần đây, đại diện hãng sữa đậu nành Vinasoy có hỗ trợ cho Trường Tiểu học Nhã Lộng số tiền là 10 triệu đồng, nhưng cũng không nói lý do là hỗ trợ về việc gì?
Trao đổi với cô Ngô Thị Hồng Luyến - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nhã Lộng thì được biết, người đại diện hãng sữa đậu nành Vinasoy có nói, nhà trường nếu có ý kiến, đề nghị gì, thì làm văn bản, để họ báo cáo lên Ban giám đốc xem xét, cô Luyến cho biết đã làm kiến nghị, gửi đến Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam, còn nội dung kiến nghị như thế nào thì tôi cũng không thấy cô Luyến nói rõ”.
Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó giám đốc sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sở Giáo dục và Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam cũng đã thống nhất, sẽ thu hồi toàn bộ số sữa hiện đang để tại các trường, và trong quá trình làm việc tại các trường, họ sẽ bàn, thỏa thuận với Ban giám hiệu.
Cũng theo ông Thịnh, đây là chương trình uống sữa miễn phí trong thời gian 10 ngày, nên khi xảy ra sự việc, nghi bị ngộ độc do sữa Fami Kid Vinasoy như vậy, thì cũng rất khó yêu cầu bên Nhà máy sữa phải có trách nhiệm như thế nào?
Đây là đại diện của Nhà máy sữa trao đổi riêng với Trường Tiểu học Nhã Lộng thôi, còn các trường khác không có học sinh nào bị làm sao thì chắc là không có thảo luận gì”.
Vậy, phải chăng không hề có sự cam kết trách nhiệm, giữa Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Thái Nguyên với Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy, trước khi thực hiện chương trình triển khai cho các em học sinh tại tỉnh Thái Nguyên?
Thư ngỏ mời các phụ huynh mua sữa, có những lời mở đầu dễ gây nhầm lẫn với Quyết định của Thủ tướng chính phủ: Ảnh: Tùng Dương. |
Kế hoạch số 233 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các phòng Giáo dục. Ảnh: Tùng Dương. |
Vấn đề được dư luận phụ huynh quan tâm nhất ở đây là, tại sao người của Nhà máy sữa đậu nành không hề đến thăm hỏi các cháu bị ngộ độc? Phải chăng họ dựa vào bản xét nghiệm với những thông số không liên quan để đứng ngoài sự việc?
Cho dù là sữa uống miễn phí, nhưng để xảy ra sự việc, các cháu nghi bị ngộ độc sau khi uống sữa đậu nành Fami Kid, thì hãng sữa này hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, vì nếu không uống sữa thì các cháu đã không phải đi cấp cứu.
Và nếu như Nhà máy sữa đậu nành cho rằng, sữa của đơn vị mình đảm bảo? Thì việc hỗ trợ 10 triệu đồng cho Trường Tiểu học Nhã Lộng là nhằm mục đích gì? Và lại còn nói nhà trường viết yêu cầu hỗ trợ, còn các trường khác thì không?
Chắp nối toàn bộ, từ việc đưa sữa đậu nành Fami Kid vị Sô cô la vào trường học, với danh nghĩa mập mờ tên gọi “Sữa đậu nành học đường Vinasoy”, đã cho thấy sự không minh bạch của Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam.
Có tin được bản xét nghiệm sữa đậu nành Fami Kid tại Thái Nguyên? |
Tiếp đến việc gửi thư ngỏ mời phụ huynh mua sữa, nhưng lại mở đầu thư bằng những lời lẽ dễ làm cho người mua hiểu nhầm, rằng đây là Quyết định của Thủ tướng chính phủ về sữa học đường?
Mặc dù, nói là không bắt buộc phụ huynh phải mua sữa, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo lại giao cho Phòng Chính trị Tư tưởng triển khai, chỉ đạo các Phòng Giáo dục tạo điều kiện để Vinasoy làm việc với các trường cũng như với các phụ huynh?
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên còn chỉ đạo các trường tuyên truyền đến các phụ huynh, tổng hợp nhu cầu đăng kí mua sữa…và hỗ trợ Vinasoy trong việc thanh toán kinh phí?
Chỉ với vài điểm nêu trên, phụ huynh có thể hiểu, đằng sau sự việc đưa sữa đậu nành Fami Kid vào trường học, tại một số huyện của Tỉnh Thái Nguyên, không đơn thuần chỉ là chương trình khuyến mãi sữa, thực chất đây là bán sữa vào trường học, có chuyện lợi ích nhóm trong sự việc này?
Ngày 19/4/2019, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên), tỏ ra rất bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Mạnh - Phụ huynh có con phải nhập viện cấp cứu hôm đó cho biết: “Suốt từ hôm đó cho đến nay, gia đình chúng tôi không hề thấy người của nhà máy sữa đến thăm hỏi, xem sức khỏe các cháu ra sao? Họ quá coi thường sức khỏe các cháu”.
Những thùng sữa Fami Kid bị niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, sau khi xảy ra sự việc các em phải đi cấp cứu. Ảnh: Tùng Dương. |
Anh Hà Mạnh Cường, bức xúc nói: “Phải chăng, Nhà máy sữa cứ vin vào bản xét nghiệm, để trốn tránh trách nhiệm, không đến thăm hỏi các cháu, mà tôi cũng nói thật, nhìn bản xét nghiệm này, không hề thấy chỗ nào nói đến việc xét nghiệm nguyên nhân, mà chỉ đơn thuần là xét nghiệm lại các tiêu chuẩn đã công bố được in trên vỏ hộp sữa, nếu không lấy chính những mẫu sữa mà các cháu đang uống dở, thì làm sao có kết quả xét nghiệm chính xác được”?
Theo anh Hoàng Văn Tiến: “Từ hôm các cháu đi viện về, gia đình chúng tôi và nhiều phụ huynh trong trường rất mong có một cuộc họp để được nghe Ban giám hiệu nhà trường giải thích, nhưng đến nay vẫn không thấy nhà trường có ý kiến gì về sự việc này”?