Cần những giải pháp mạnh tay hơn nữa với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

14/11/2019 09:00
Vũ Phương
(GDVN) - Không ít doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng.

Nợ đọng bảo hiểm xã hội là nỗi nhức nhối của toàn xã hội và nếu không có cách giải quyết triệt để thực trạng này, người lao động là đối tượng thiệt thòi nhất. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương nằm trong danh sách có số nợ đọng bảo hiểm nhiều nhất.

Theo theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính, cả nước hiện có khoảng 610.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng có 327.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy, còn tới 283.000 doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong số đó có những doanh nghiệp nhỏ, số lao động thời vụ, nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình né đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đáng chú ý là con số thống kê được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Quỹ bảo hiểm xã hội có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng vì doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn.

Dù trong năm 2018 ngành bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra được 14.150 cuộc (tăng gần 62% so với năm trước), nhưng chỉ mới lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (bảo hiểm y tế) được 1.178 trường hợp, với tổng số tiền phạt chưa đến 38 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội ký vào Quyết định thanh tra do Thanh tra Hà Nội ban hành. Ảnh: B.Duy
Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội ký vào Quyết định thanh tra do Thanh tra Hà Nội ban hành. Ảnh: B.Duy

Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội vừa công bố, hiện trên địa bàn có tới 500 đơn vị sử dụng lao động nợ gần 280 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội từ 6-24 tháng trong tháng 9/2019. Theo đó, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn Thành phố Hà Nội là 1.989,4 tỷ đồng.

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội đang diễn biến phức tạp được lý giải là do một số doanh nghiệp gặp khó khăn vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn; số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng.

Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng lại có không ít doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khách; ý thức về thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp chưa được chú trọng.

Đặc biệt, theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận, chủ động trốn đóng bảo hiểm xã hội, đóng không đúng mức quy định, cũng như sự hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế, chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội
Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của an sinh xã hội

Liên ngành Thành phố Hà Nội gồm: Công an, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và bảo hiểm xã hội vừa có buổi làm việc với đại diện 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trước khi chuyển hồ sơ và đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự.

10 doanh nghiệp là: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí - Điện - Điện tử Tàu thủy, Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Tạp phẩm, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bắc Bộ, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị và Xây dựng Hồng Hà, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng công trình Đại An, Công ty Cổ phần Đầu tư- Xây dựng và Thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Đại cơ Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài Chính Việt Tín. Tổng số tiền 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên tới trên 22 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm lao động.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, mặc dù bảo hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc thu nợ, trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng 10 doanh nghiệp nói trên vẫn chưa thực hiện nghiêm túc cam kết về lộ trình trả nợ và khắc phục số nợ theo kết luận thanh tra. Thậm chí, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm để nợ kéo dài, dẫn đến số tiền nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm  thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, 10 doanh nghiệp nói trên đã có dấu hiệu phạm tội. Vì thế, bảo hiểm xã hội Thành phố đã củng cố hồ sơ và căn cứ vào buổi làm việc của liên ngành với 10 doanh nghiệp này, liên ngành sẽ thống nhất đưa ra thông báo chính thức về việc chuyển hồ sơ các doanh nghiệp trên sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các doanh nghiệp này đều đã bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính nhưng hầu hết các doanh nghiệp không nộp tiền xử phạt, không đóng hoặc chậm đóng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng nhận ủy quyền của 196 công nhân khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: N.Y
Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng nhận ủy quyền của 196 công nhân khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: N.Y

Ngày 15/11, Toà án Nhân dân quận Liên Chiểu (Thành phố Đà Nẵng) đưa ra xét xử vụ án tranh chấp lao động đòi nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội giữa 196 công nhân và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TBO Vina.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TBO Vina là doanh nghiệp FDI (100% vốn Hàn Quốc), đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, ngành nghề chính là sản xuất hàng may mặc (khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng).

Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TBO Vina nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7/2018 và từ tháng 11/2016 đến 7/2018 công ty không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho gần 500 công nhân. Trong khi đó hàng tháng công ty vẫn trừ tiền bảo hiểm của công nhân (10,5% tiền lương hàng tháng), với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Liên đoàn lao động Thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng tham gia phiên toà bảo vệ quyền lợi hợp pháp và được 196 người lao động ủy quyền trong vụ kiện này.

Vũ Phương