Nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện

07/12/2019 07:41
An Nhiên
(GDVN) - Ngày 6/12, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch hội đồng.

Năm 2019, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện điểm số.

Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63).

Các bộ, ngành đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực hơn để cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (Ảnh: TXVN).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (Ảnh: TXVN).

Các thành viên Hội đồng đã xem xét, góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Nghị quyết 02 không chỉ là nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết được xây dựng theo phương pháp luận của các tổ chức quốc tế từ 6 bảng xếp hạng:

Môi trường kinh doanh (Ngân hàng Thế giới); Năng lực cạnh tranh (Diễn đàn Kinh tế thế giới); Chỉ số Chính phủ điện tử (Liên minh Viễn thông quốc tế); Đổi mới sáng tạo (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới); Chỉ số Logistics (Ngân hàng Thế giới);  Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (Diễn đàn Kinh tế thế giới).

Nghị quyết có tác dụng giúp chúng ta nhìn lại “bức tranh” chung để xác định phải đẩy mạnh cải cách ở những khâu nào.

“Tinh thần của các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm đều có những giải pháp thực hiện trong nhiều năm. Nghị quyết năm nay cũng vậy nhưng chúng ta tập trung vào một số việc rất cụ thể.

Hội đồng nhận diện đầy đủ nhưng bước đi phải có thời điểm, có giải pháp kỹ thuật và xử lý thiết thực, chỉ ra được những điểm bắt buộc phải sửa để có môi trường hấp dẫn, cạnh tranh hơn”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên Hội đồng khẩn trương đóng góp vào nội dung dự thảo nghị quyết.

Phó Thủ tướng lưu ý từng uỷ ban trực thuộc Hội đồng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai, thực hiện đến cùng không để tình trạng “đăng ký nhưng không triển khai”.

An Nhiên