Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá hiện trạng nhập lậu thực phẩm vào Việt Nam; việc sử dụng chất cấm trong thức ăn gia súc, thuỷ sản tiêu thụ trong nước; việc thay đổi thói quen an toàn thực phẩmở chợ, lò mổ; hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, bán hàng đa cấp; công nhận các trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN |
Đối với việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong nông, thuỷ sản xuất khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải trực tiếp lấy mẫu chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc mà người dân đang sử dụng về kiểm nghiệm, xác định rõ, có biện pháp ngăn chặn ngay từ nguồn cung.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc cả 3 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương không để có hồ sơ tồn đọng trong xem xét, công nhận các trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; đồng thời lưu ý ngoài công bố danh mục trên website, cần tích hợp địa chỉ các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm trên bản đồ số Việt Nam (Vmap).
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, mới chỉ có Bộ Y tế hoàn thiện và thực hiện thí điểm để nắm thông tin về an toàn thực phẩmtừ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh, trung ương theo thời gian thực.
Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện việc đánh giá tác động của Luật an toàn thực phẩm để định hướng việc sửa đổi Luật (nếu cần) theo hướng khắc phục chồng chéo, giảm bớt trung gian, tránh tư tưởng thiếu chủ động, tăng mạnh phân cấp cho địa phương.
Trung ương tập trung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các nguyên tắc, quy định còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn cần được thúc đẩy mạnh mẽ, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các đô thị lớn.
Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn chú trọng đến đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đoàn thể các cấp trong vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm.
Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về an toàn thực phẩm, trước hết là trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.
Triển khai và đánh giá mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩmtuyến quận, huyện, xã, phường.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩmtại 9 tỉnh thành tiếp tục được đẩy mạnh, đã có 4.387 cán bộ cấp huyện, xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.