GPA đạt 3,97, thủ khoa trường Đại học Ngoại thương "quên" danh hiệu để cố gắng

06/10/2021 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mai Tiến Thành cho biết: “Dù là thủ khoa hay không thì khi bước vào thị trường lao động cũng sẽ như nhau, đều phải chứng minh được năng lực làm việc của mình”.

Tốt nghiệp thủ khoa với số điểm gần tuyệt đối (GPA đạt 3,97/4,0), ban đầu, Mai Tiến Thành (sinh năm 1999, quê Bắc Ninh) không dám tin vào thành tích mình đạt được.

Là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Ngoại thương năm 2021, dù vui mừng với kết quả ngoài mong đợi sau 4 năm học tập, nhưng Tiến Thành cũng chia sẻ, bản thân mong muốn mọi người hãy quên mình là một thủ khoa để em tiếp tục nỗ lực, cố gắng trên chặng đường mới.

Mai Tiến Thành - sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Ngoại thương năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Mai Tiến Thành - sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Ngoại thương năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Dồn sức học tập để “săn” học bổng

Từng trúng tuyển vào lớp chuyên toán của Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên và Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh nhưng Tiến Thành lại quyết định học tập tại trường huyện vì muốn được gần gia đình, gần bố mẹ.

Năm 2017, nam sinh đạt 29 điểm khối A trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với số điểm này, bố mẹ Thành đã hi vọng con trai sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành y dược.

Tiến Thành chia sẻ: “Năm lớp 11, em đã đạt được giải Nhất trong một cuộc thi về An toàn giao thông, và em được tài trợ một chuyến đi 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng.

Đó là một chuyến đi đáng nhớ, thế giới bên ngoài cho em khám phá nhiều điều mới lạ với nhiều trải nghiệm thú vị.

Vốn yêu thích ngành kinh tế, em đã lựa chọn học Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương, vừa để theo đuổi niềm đam mê, vừa để có nhiều cơ hội gặp gỡ nhiều người, có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.

Tự nhận thấy mình không phù hợp với ngành y, em kiên định với lựa chọn của mình, dù bố mẹ từ trước đã luôn định hướng em theo con đường nghiên cứu".

Mai Tiến Thành (ở giữa) cho biết, bản thân luôn đặt mục tiêu là học bổng để nỗ lực vươn lên trong học tập. (Ảnh: NVCC)

Mai Tiến Thành (ở giữa) cho biết, bản thân luôn đặt mục tiêu là học bổng để nỗ lực vươn lên trong học tập. (Ảnh: NVCC)

Dẫu vậy, khi bước vào môi trường mới, Tiến Thành chưa thực sự chú tâm vào việc học. Kết quả học kỳ 1 năm nhất không như kỳ vọng, trong khi chứng kiến bạn bè giành được nhiều học bổng giá trị, Thành bắt đầu “chỉnh đốn” lại mình, dồn toàn bộ tâm sức cho việc học.

“Mọi người vẫn thường hỏi bí quyết để em đạt được điểm cao là gì? Đơn giản vì em luôn đặt ra mục tiêu cho bản thân, cố gắng làm cho bằng được, để tâm trí mình không bao giờ phải xuất hiện hai từ ‘hối hận’.

Mục tiêu của em là đạt được học bổng nên dù có khó khăn hay căng thẳng thế nào, cứ nghĩ đến thành quả mình có thể nhận được, em lại có động lực để học tập và vượt qua mọi thử thách”, tân thủ khoa cho biết.

Không chỉ có mỗi mục tiêu học bổng, Tiến Thành còn lên kế hoạch học vượt để ra trường sớm, đi làm và có kinh nghiệm nghiệp vụ thực tế.

Trong năm thứ hai, nam sinh đăng ký số lượng tín chỉ gần gấp đôi so với mức bình thường. Mặc dù đối mặt với nhiều áp lực khi lịch học dày lên nhưng Thành vẫn cố gắng cân đối thời gian hợp lý, tham gia các hoạt động ngoại khóa để bản thân được vui chơi, thư giãn và rèn luyện kỹ năng.

Kết thúc năm học thứ 3, Tiến Thành đã hoàn thành hết tất cả các môn học, chàng trai xin làm việc tại một ngân hàng và tiếp tục hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Nói về kinh nghiệm học tập, Tiến Thành cho biết: “Bên cạnh việc học ở trường, sinh viên cần tự tìm tòi hỏi hỏi, bổ sung kiến thức qua các tài liệu, qua bạn bè, anh chị khóa trên.

Với khối ngành kinh tế, nên kết hợp học kiến thức với việc trau dồi kỹ năng, điều này vừa giúp chúng ta tự tin hơn trong việc giao tiếp, vừa giúp ta mở rộng mối quan hệ.

Em thấy hiện nay, nhiều bạn chọn đi làm thêm khi chưa xác định được liệu công việc đó có phù hợp và gắn bó lâu dài với mình không, liệu có ảnh hưởng đến việc học không, mà các bạn chỉ nghĩ đơn giản vì thu nhập tạm thời lúc đó. Các bạn nên cân nhắc kỹ giữa cái được và cái mất khi quyết định, và nên quan tâm đến việc học tập nhiều hơn”.

Nỗ lực thoát khỏi “chiếc bóng” danh hiệu thủ khoa

Tốt nghiệp sớm, nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, từ giữa năm 2020, thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương trúng tuyển vị trí của bộ phận tài trợ thương mại trong một ngân hàng có tiếng, một thời gian sau, Thành chuyển sang khối khách hàng doanh nghiệp.

Tiến Thành cho rằng, đại học là quãng thời gian “vàng” để học ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng, để khi ra trường có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của công việc.

Tiến Thành tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng và trở nên tự tin hơn. (Ảnh: NVCC)

Tiến Thành tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng và trở nên tự tin hơn. (Ảnh: NVCC)

“Ngoại ngữ là thứ tối quan trọng, thành thạo một ngoại ngữ nào đó giúp các bạn rất nhiều từ cơ hội du học, học bổng, đến thăng tiến nhanh hơn trong công việc.

Muốn rèn luyện kỹ năng, các bạn phải tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa với những vai trò khác nhau từ trưởng nhóm, quản lý nội dung, quản lý dự án hay đơn giản chỉ là một thành viên bình thường.

Em cũng từng là thành viên của Câu lạc bộ Nhà tư vấn luật, tham gia hỗ trợ hội thảo của Tổ chức sinh viên Luật châu Á, Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ. Nhờ vậy, em đã khắc phục được những 'điểm yếu' của mình, em trở nên tự tin và tích cực trong mọi việc.

Ngoài ra, việc thử sức với một số công việc làm thêm liên quan đến ngành học cũng giúp sinh viên có nhiều mối quan hệ xã hội hơn, giúp các bạn linh hoạt hơn trong các tình huống xử lý thực tế”, Tiến Thành chia sẻ.

Với chàng trai thủ khoa, việc chủ động tìm kiếm cơ hội công việc cũng là một điều quan trọng, chủ động đón nhận mọi thách thức để có những trải nghiệm và bài học quý.

Thành thường tìm kiếm các cơ hội việc làm qua các trang tuyển dụng hoặc trên các nhóm facebook mà tổ chức, người đăng phải có thông tin rõ ràng, đáng tin cậy.

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm thì cần một thái độ học việc tích cực, không ngại khó, bởi không có bài học nào giá trị hơn bài học từ thực tế.

Thời gian tới, kế hoạch của Thành là chuyển hướng làm việc về tín dụng doanh nghiệp, tiếp tục học và bồi dưỡng tiếng Anh để có được nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.

Tốt nghiệp thủ khoa, bản thân Tiến Thành cũng chia sẻ về “sức nặng” của chính danh hiệu này: “Dù là thủ khoa hay không thì khi bước vào thị trường lao động, em cũng như mọi người, tất cả các ứng viên đều như nhau, đều phải chứng minh được năng lực làm việc của mình.

Hơn nữa, nhiều người thường nói thủ khoa thì sẽ thường ít khi thành công, thành danh nên em cũng có những áp lực về quan niệm đó, và em muốn vượt qua được điều này.

Thực lòng, em không muốn mọi người gọi tên hay luôn nhớ đến mình là một thủ khoa. Dù đây là thành tích mà bản thân em tự hào, hạnh phúc khi có được nhưng em cũng cần phải quên đi, để mình tiếp tục nỗ lực trên chặng đường mới, gặt hái những thành công mới”.

Phạm Minh